Đưa ngựa, tuần lộc lên Bắc Cực ngăn băng tan

11/05/2020 - 15:28

Sáng kiến ‘có một không hai’ này được nói là có thể bảo vệ đến 80% băng vĩnh cửu cho đến tận năm 2100.

Tuần lộc ở vùng Bắc Cực - Ảnh: GETTY IMAGES

Theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Hamburg (Đức), để giảm tốc độ tan chảy của băng vĩnh cửu vùng Bắc Cực, có thể tăng cường những loài động vật như hươu, nai, ngựa, bò rừng, tuần lộc… lên sống ở vùng băng tuyết.

Sử dụng phần mềm giả lập từ dữ liệu thực tế, nhóm cho rằng cường độ dậm chân của động vật có vai trò nén chặt tuyết xuống mặt đất, qua đó giữ ổn định cho lớp băng vĩnh cửu, theo Independent. Ngoài ra, những động vật ở đây còn có thể trải đều tuyết khắp khu vực.

TS Christian Beer - Đại học Hamburg (Đức), trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết hiện có khoảng 5 con tuần lộc trong diện tích 1km2 ở Bắc Cực. Nếu con số này tăng lên 15 con trong 1km2, 80% lớp băng vĩnh cửu sẽ được bảo vệ ít nhất cho đến năm 2100 trước tốc độ băng tan như hiện nay.

Ngoài ra nhóm cũng cho biết nếu tốc độ biến đổi khí hậu duy trì đến hiện nay, nền nhiệt mặt đất Bắc Cực có thể chênh lệch đến 7 độ C năm 2100 ở nhiều vùng. Khi đó, khoảng phân nửa diện tích đất đóng băng sẽ tan chảy.

Trái lại, khi cho nhiều động vật ăn cỏ đến vùng băng tuyết, nền đất nơi đây chỉ tăng lên 4 độ C, đủ làm an toàn cho lớp băng vĩnh cửu. Điều này cũng giúp hạn chế lượng khí nhà kính như CO2 dưới những lớp đất đá ra ngoài môi trường.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng Scientific Reports.

Nghiên cứu lạ: Đưa ngựa, tuần lộc lên Bắc Cực ngăn băng tan - Ảnh 2.

TS Sergey Zimov và nghiên cứu hơn 20 năm - Ảnh: GETTY IMAGES

Nghiên cứu trên lấy cảm hứng từ thí nghiệm kéo dài 20 năm của TS Sergey Zimov (Nga) ở vùng Chersky (Siberia).

Theo đó, TS Zimov trực tiếp nuôi 100 động vật ăn cỏ như tuần lộc, ngựa trên diện tích rộng 1 km2 tại Công viên Pleistocene (Serbia) và ghi nhận độ dày của tuyết, nhiệt độ trong khu vực theo thời gian.

Băng vĩnh cửu ­­­là một lớp đất dày quanh năm, khi tan chảy sẽ khiến khí nhà kính nằm trong lòng đất lạnh suốt nhiều ngàn năm nay tràn vào bầu khí quyển.

TS Rick Thoman - chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Bắc Cực quốc tế - nhận xét dù kết quả nghiên cứu của nhóm Đại học Hamburg tích cực nhưng nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ khả thi của dự án.

Quan trọng nhất, nhận định việc phủ số lượng lớn ngựa, tuần lộc, bò… trên hàng triệu km2 Bắc Cực khó thực hiện.

Ngay cả TS Beer cũng nhận thấy những hạn chế của dự án cần giải quyết. Chẳng hạn, động vật ăn cỏ đến vùng Bắc Cực nhiều khả năng sẽ tiêu diệt luôn những thảm rêu xanh mọc lên mỗi mùa hè.

Theo HOÀNG THI (Tuổi Trẻ)