Đưa sắc màu dân gian vào nhịp sống hiện đại

08/02/2024 - 08:54

Với mong muốn đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với cuộc sống hiện đại, gần 4 năm nay, chị Nguyễn Thị Hữu (45 tuổi, Hà Nội) cùng những người cộng sự luôn miệt mài “làm mới” những vật dụng hàng ngày bằng những nét vẽ mang đậm sắc màu dân gian.

Nét vẽ dân gian trên những vật liệu thân thiện môi trường

Được thành lập từ năm 2020 với mục đích hỗ trợ truyền thông cho các sự kiện về văn hóa dân gian tại các bảo tàng và di tích, dự án Magic of Color (MOC) của chị Nguyễn Thị Hữu (45 tuổi, Hà Nội) như một “địa chỉ đỏ” giúp công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ có thể trải nghiệm những dòng tranh dân gian: Tranh dân gian Đông Hồ, tranh dân gian Hàng Trống, tranh dân gian Kim Hoàng…

Trong căn phòng nhỏ tại nhà riêng của chị Nguyễn Thị Hữu, những chiếc đèn trang trí, những hộp bút, túi xách, tranh ảnh,... mang sắc màu ấm  nóng, hòa quyện những họa tiết quen thuộc của dòng tranh dân gian Đông Hồ, tranh dân gian Kim Hoàng, tranh dân gian Hàng Trống,... Các sản phẩm được xếp ngay ngắn, chỉn chu tạo ra một không gian ấm cúng, nhiều hoài niệm.

Nâng niu trên tay những sản phẩm ứng dụng dòng tranh dân gian, chị Hữu say sưa chia sẻ về những “đứa con tinh thần”, về những dự định, kế hoạch ấp ủ với niềm vui, niềm tự hào.

Chú thích ảnh

Chj Nguyễn Thị Hữu và chiếc túi lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ. 

Chú thích ảnh

Những sản phẩm được xếp ngay ngắn, chỉn chu, tạo ra một không gian ấm cúng.

Chú thích ảnh

Những bức tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng bắt mắt, thu hút sự chú ý của mọi người ghé thăm.

Chú thích ảnh

Chiếc đèn trang trí lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Hàng Trống với tên gọi “Múa Rồng”.

Những chất liệu bình thường khi gia công đã khó, ở đây, chị Hữu và những người cộng sự của mình quyết tâm kết hợp hình ảnh tranh dân gian Việt Nam lên những vật dụng làm bằng chất liệu thân thiên môi trường như: tre, gỗ, gốm, giấy dó,... Trong thời gian đầu, nhóm của chị gặp nhiều trở ngại, trong đó trở ngại lớn nhất là tìm kiếm chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường nhưng đảm bảo độ bền khi sản phẩm tới tay người sử dụng.

Chú thích ảnh

Trò chơi dân gian "Ô ăn quan" được vẽ trên giấy dó.

Chú thích ảnh

Hình ảnh "Lợn ăn cây ráy" quen thuộc trong tranh Đông Hồ được vẽ trên chất liệu giấy dó, tre,... 

Chị Hữu cho biết: “Khó khăn đầu tiên là tại các làng nghề, những sản phẩm tinh tế, đẹp mắt thường phục vụ xuất khẩu, vì thế chúng tôi làm những sản phẩm nhỏ lẻ, tìm kiếm sản xuất rất khó. Khó khăn thứ hai là về môi trường. Nhiệt độ ở Việt Nam, đặc biệt khí hậu miền Bắc không phù hợp với các vật liệu bằng giấy dó, tre,... . Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì với những chất liệu dân gian truyền thống và chất liệu tự nhiên, để truyền tải thông điệp: Những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên hoàn toàn có thể thích hợp với cuộc sống hiện đại".

Chú thích ảnh

Chị Hữu căn chỉnh độ dài của giấy dó khi trang trí chiếc đèn. 

Trong mỗi sản phẩm, nhóm của chị Hữu đều lồng ghép một câu chuyện riêng muốn truyền tải đến công chúng. Đó là những câu chuyện văn hóa gần gũi cũng như bản chất của dòng tranh dân gian Việt Nam mộc mạc, gần gũi, nhóm chị mong muốn những nét đẹp đó sẽ đi sâu hơn vào cuộc sống và được mọi người yêu thích, đón nhận nhiều hơn.

Gần 4 năm cần mẫn làm việc, dù gặp bao khó khăn, nhưng chị Hữu và những người cộng sự của mình luôn vui vẻ, luôn kiên định với hướng đi, với mục tiêu tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường mà vẫn đảm bảo vẻ ngoài bắt mắt, mang đậm sắc màu dân tộc.

Chú thích ảnh

Những chiếc đèn làm từ tre và giấy dó tỉ mỉ, kỳ công.

Chú thích ảnh

Hình ảnh "Đám cưới chuột" được ứng dụng trên những túi đựng bút.

Chú thích ảnh

Hộp đựng bút lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ. 

Chú thích ảnh

Chị Cẩm Anh, họa sĩ trong dự án Magic of color.

“Mỗi khi chúng tôi hoàn thiện một bức tranh nào đó, đưa đến tay khách hàng, chúng tôi cảm thấy rất vui khi mọi người yêu thích, say mê, mọi người đón nhận nó một tình yêu như với quê hương đất nước. Từ đó, mọi người sẽ lan tỏa văn hóa Việt Nam ra bạn bè thế giới…. Đây thực sự là một điều chúng tôi tâm đắc và tự hào”. Chị Cẩm Anh, họa sĩ trong dự án Magic of color chia sẻ.

“Gieo mầm” niềm đam mê tranh dân gian

Trong những năm qua, để lan tỏa tình yêu tranh dân gian đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, chị Hữu và các thành viên trong dự án MOC đã đẩy mạnh những sự kiện mang tính giao lưu, trải nghiệm văn hóa dân gian. Nhóm của chị đã tổ chức gần 20 sự kiện workshop với chủ đề Tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, tổ chức các chuyến trải nghiệm tại làng nghề tranh Đông Hồ…

“Trong các hoạt động chúng tôi đã tổ chức thì những buổi workshop thu hút được khá nhiều người quan tâm. Tại đó, chúng tôi thường trưng bày những vật liệu làm tranh dân gian và chọn những mẫu tranh theo từng chủ đề để mọi người tham gia có thể trải nghiệm từng dòng tranh và tự tay tạo nên một sản phẩm mang dấu ấn riêng mang về. Với hoạt động trải nghiệm này, chúng tôi đang tiến hành trên ba dòng tranh: Tranh dân gian Đông Hồ, tranh dân gian Kim Hoàng và tranh dân gian Hàng Trống", chị Hữu chia sẻ.

Chú thích ảnh
 

Chú thích ảnh

Tại các sự kiện trải nghiệm, người tham gia có thể tự sáng tạo cho mình những chiếc đèn, những bức vẽ độc bản. 

Sau mỗi sự kiện, chuyến trải nghiệm, nhìn nét mặt tươi vui, hạnh phúc của những người tham gia, chị và nhóm của mình cảm thấy ấm lòng, cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh tiếp tục tiến về phía trước và lan tỏa niềm đam mê tranh dân gian đến thế hệ trẻ.

Để lan tỏa rộng rãi những sắc màu dân gian, Tết Nguyên Đán 2024 - năm Rồng, nhóm của chị Hữu “bắt nhịp” với bộ sản phẩm tranh Tết và lồng đèn trang trí với chủ đề “Long Khởi”. Trải qua những năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế nói chung, “Long Khởi” như một lời nhắn nhủ, động viên mọi người vượt qua mọi khó khăn để tiến về phía trước, tìm những khởi sắc mới…

Chú thích ảnh

Những chiếc đèn trang trí lấy cảm hứng từ dòng tranh dân gian Đông Hồ ra mắt dịp Tết Nguyên Đán 2024.

Chú thích ảnh

Chiếc đèn lồng được lấy ý tưởng từ bức tranh “Cá chép vượt vũ môn hóa rồng” trong dòng tranh Kim Hoàng.

“Trong bộ sản phẩm ứng dụng cho Tết năm Rồng, chúng tôi lấy ý tưởng từ dòng tranh dân gian Việt Nam. Chẳng hạn bức tranh dân gian Hàng Trống có tên là “Múa Rồng”, thông qua việc tìm kiếm những nét đẹp trong các bức tranh vẽ về chủ đề Rồng, chúng tôi ứng dụng vào các sản phẩm như: Đèn trang trí, bao lì xì, thiệp chúc Tết, những tờ giấy ghi điều ước cho mọi người trong năm mới… Một sản phẩm dành cho Tết khác là chiếc đèn lồng, được lấy ý tưởng từ bức tranh “Cá chép vượt vũ môn hóa rồng” trong dòng tranh Kim Hoàng. Chúng tôi đã chọn lựa những đường nét đặc sắc và giữ những chi tiết căn bản nhất của bức tranh để đưa vào những sản phẩm ứng dụng như chiếc đèn trang trí nội thất treo vào năm mới, năm Rồng". Chị Hữu cho biết.

Chú thích ảnh

Chị Hữu ấp ủ ý tưởng “làm mới” hũ đựng mứt kẹo Tết từ tranh dân gian và mây tre đan.

Nói về những kế hoạch, dự định đang ấp ủ, chị Hữu chia sẻ: Hiện tại, nhóm của chị đang ấp ủ ý tưởng “làm mới” hũ đựng mứt kẹo Tết bằng cách in tranh dân gian lên gốm và kết hợp với các sản phẩm mây tre đan… Bên cạnh đó, nhóm chị Hữu tiếp tục phát triển các ý tưởng, thiết kế các dòng tranh dân gian lên các sản phẩm ứng dụng như đèn trang trí, tranh gỗ, đồ dùng học tập, bình gốm, túi xách… để đến gần hơn với công chúng và “vun đắp” tình yêu sắc màu dân tộc trong lòng họ.

Theo Báo Tin tức