Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Cologne, Đức, ngày 27-12-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Bộ Y tế liên bang đã yêu cầu Ủy ban tiêm chủng thường trực thuộc Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) nghiên cứu khả năng kéo dài thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm nhằm tăng số người được tiêm chủng mũi thứ nhất trong khi chờ đợi vaccine được cung cấp cho liều thứ hai. Với việc kéo dài khoảng thời gian giữa hai lần tiêm chủng, Đức có thể tăng được số lượng vaccine sẵn có trong ngắn hạn và qua đó có thể tăng số người được tiêm chủng. Anh đã áp dụng biện pháp này, theo đó kéo dài thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm lên 42 ngày, thay vì mức 3 tuần như quy định hiện nay.
Kế hoạch trên được Đức nghiên cứu thực thi trong bối cảnh Bộ Y tế liên bang đang bị chỉ trích vì đã không đảm bảo đủ số vaccine và quá chậm trễ trong chiến dịch đẩy mạnh tiêm chủng toàn quốc. Truyền thông Đức dẫn lời Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn cho biết Đức sẽ có đủ vaccine phục vụ công tác tiêm chủng vào quý II năm nay.
Quyết định của Anh kéo dài thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm đối với vaccine BioNTech/Pfizer đã được một số chuyên gia y tế Đức hoan nghênh trong bối cảnh các nước đang tìm cách bảo vệ được nhiều người nhất có thể nếu nhanh chóng thực hiện tiêm chủng một mũi và trì hoãn mũi tiêm thứ hai. Theo ông Leif-Erik Sander, Trưởng nhóm nghiên cứu vaccine bệnh viện Charité ở Berlin, trong bối cảnh khan hiếm vaccine và số lượng người nhiễm cũng như số người phải nhập viện ở mức rất cao hiện nay tại Đức, chiến lược càng nhiều người được tiêm chủng sớm hơn tỏ ra có hiệu quả hơn. Số liệu của RKI cho biết tính đến nay đã có khoảng 239.000 người ở Đức được tiêm vaccine BioNTech/Pfizer. Nếu so sánh, Anh tới nay đã tiêm chủng trên 1 triệu liều, nhiều hơn tất cả các nước EU cộng lại.
Không chỉ Đức, giới chức Đan Mạch cũng đang xem xét kéo dài thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm chủng, có thể từ 3-6 tuần và hiện đang theo dõi sát sao tình hình ở Anh để có điều chỉnh phù hợp. Cho tới nay, Đan Mạch đã có gần 47.000 người được tiêm mũi vaccine BioNTech/Pfizer đầu tiên, hầu hết là nhân viên y tế và người cao tuổi.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Copenhagen, Đan Mạch, ngày 7-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, hai công ty BioNTech và Pfizer cùng ngày 4/1 đã bác bỏ việc kéo dài thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm quá 3 tuần, cho rằng đây không phải cách để khắc phục tình trạng khan hiếm vaccine hiện nay. Theo thông báo, không có dữ diệu nào cho thấy hiệu quả của việc tiêm chủng được đảm bảo sau 21 ngày tiêm mũi thứ nhất và cần tiêm mũi thứ hai để đảm bảo được bảo vệ hoàn toàn khỏi dịch COVID-19.
Dự kiến trong tuần này, EU sẽ phê chuẩn vaccine của công ty Moderna, theo đó EU có thể được bổ sung thêm 1,5 triệu liều trong những tuần tới. Đối với vaccine của công ty AstraZeneca đã được Anh phê chuẩn sử dụng tuần trước, Bộ Y tế Đức cho biết Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đang nhanh chóng xem xét thủ tục để có thể phê chuẩn việc sử dụng vaccine của công ty đa quốc gia này.
Đức đã ghi nhận có thêm trên 10.600 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua với 587 ca tử vong. Như vậy, số ca tử vong do COVID-19 ở Đức tới nay đã vượt 35.000 người (35.102 ca) và số người nhiễm bệnh lên tới 334.500 người.
Cũng liên quan vấn đề giãn cách thời gian tiêm liều thứ 2, phóng viên TTXVN tại Brussels cho biết Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã khẳng định thời gian giãn cách tối đa 42 ngày giữa mũi tiêm đầu tiên và mũi thứ hai đối với vaccine phòng COVID-19 do Pfizer/BioNTech phối hợp sản xuất cần phải được tuân thủ nhằm tạo hiệu quả bảo vệ tốt nhất.
Theo EMA, hiệu quả của vaccine được chứng minh qua một nghiên cứu thử nghiệm có thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm trong khoảng từ 19 đến 42 ngày sẽ đem đến sự phòng ngừa đầy đủ chỉ 7 ngày sau mũi tiêm nhắc lại.
EMA nhấn mạnh bất kỳ thay đổi nào về khoảng thời gian giãn cách trên đều đòi hỏi một giấy phép cùng nhiều dữ liệu lâm sàng hơn để làm cơ sở xem xét, nếu không sẽ bị coi là sử dụng không phép. Việc sử dụng không phép có thể khiến các nhà sản xuất vaccine đối mặt với một số rắc rối về pháp lý.
Theo Báo Tin Tức