Theo thông báo của Chính phủ Đức, nước này đã lựa chọn một công nghệ để lưu giữ dữ liệu cá nhân trên một server tập trung. Công nghệ này sẽ phục vụ Viện Robert Koch - cơ quan chỉ đạo phản ứng y tế của Đức đối với đại dịch COVID-19.
Phát triển một phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh ở Halle, miền Đông Đức ngày 7-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện chính phủ nhiều nước đang sử dụng “theo dõi tiếp xúc” kỹ thuật số, theo đó cho phép thiết bị di động có thể phát hiện một người đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh và gửi cảnh báo khi cần thiết. Ứng dụng sẽ sử dụng tín hiệu không dây Bluetooth của điện thoại để xác định người đó có đi lại gần với người nhiễm bệnh hay không. Từ đó ứng dụng sẽ gửi “cảnh báo” đến những ai đã có tiếp xúc gần gũi với người đã xác nhận bị nhiễm bệnh, để những người này sẽ tự giác cách ly.
Việc tiến hành nghiên cứu hoặc áp dụng công nghệ "theo dõi tiếp xúc” đang được đẩy mạnh tại nhiều quốc gia khác, tuy nhiên hiện có sự khác biệt trong cách tiếp cận về liệu dữ liệu nên được lưu trữ trên các thiết bị hay trên một server tập trung.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin tại Đức cho hay Berlin hiện ủng hộ một nền tảng được trung tâm do tập đoàn PEPP-PT phát triển và một ứng dụng do Viện Fraunhofer Heinrich Hertz nghiên cứu. Người phát ngôn về các vấn đề kĩ thuật số của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tankred Schipanski cho hay “giải pháp này đòi hỏi việc lưu trữ tập trung đối với các dữ liệu ẩn danh, và là cách tiếp cận hiệu quả trong vấn đề bảo vệ và an ninh dữ liệu”.
Hiện chính phủ các nước Đức, Pháp, Italy và Anh đều ủng hộ những giải pháp tập trung hóa dữ liệu. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại phản đối cách tiếp cận như vậy. Trong tuần, 300 nhà khoa học đã ký một thư ngỏ khẳng định biện pháp này “sẽ cho phép việc giám sát xã hội ở quy mô lớn chưa từng có tiền lệ”.
Theo LAN PHƯƠNG (Báo Tin Tức)