Dùng công nghệ để bảo tồn và khai thác bản quyền di sản văn hoá

08/08/2024 - 09:23

Vật lý số, Blockchain, NFC và thực tế tăng cường, thực tế ảo… là những công nghệ được ứng dụng để bảo tồn và khai thác bản quyền di sản văn hoá Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong việc giữ gìn những giá trị lịch sử, cũng như mở ra cơ hội phát triển kinh tế, du lịch và công nghiệp văn hóa. Trong đó, việc khai thác bản quyền di sản là một phần quan trọng của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sự thiếu hụt về nguồn lực, công nghệ và chiến lược phát triển hiệu quả đã hạn chế khả năng khai thác và quảng bá di sản...

Huy Nguyễn.png

Ông Huy Nguyễn, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phygital Labs. Ảnh: LM

Để giải quyết vấn đề này, tại Hội nghị ban chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới (WFUCA) lần thứ 43 và Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO với Công nghiệp văn hóa”, được tổ chức ngày 5/8 vừa qua, ông Huy Nguyễn, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phygital Labs, đã đưa ra giải pháp để ứng dụng công nghệ khai thác bản quyền di sản, thúc đẩy công nghiệp văn hoá. 

Theo ông Huy Nguyễn, một xu hướng giải pháp công nghệ mới đang nổi lên mạnh mẽ và bắt đầu được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề hiện nay là công nghệ vật lý số (phygital). Thuật ngữ phygital (tạm dịch là “vật lý số”) xuất phát từ sự kết hợp của hai từ physical (vật lý) và digital (kỹ thuật số), mô tả sự kết hợp giữa thế giới vật lý và kỹ thuật số, tạo ra những trải nghiệm độc đáo và tăng tính tương tác hơn cho người dùng. 

Công nghệ vật lý số cho phép các đối tượng vật lý được kết nối với thế giới kỹ thuật số thông qua các nền tảng công nghệ lõi tiên tiến như Blockchain (công nghệ chuỗi khối), NFC (công nghệ kết nối không dây tầm ngắn), và AR/VR/XR (thực tế tăng cường/ thực tế ảo/thực tế mở rộng).

Trong đó, Blockchain, với tính năng phi tập trung, cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu của mình một cách tốt hơn và an toàn hơn. Tính chất minh bạch và không thể sửa đổi cũng đã biến công nghệ này trở thành công cụ lý tưởng cho việc xác thực và bảo vệ các tài sản số, bao gồm cả các di sản văn hóa.

Việc áp dụng Blockchain vào ngành văn hóa và di sản mang lại nhiều lợi ích, như việc xác thực nguồn gốc của các hiện vật, chống lại nạn hàng giả, và tạo ra một hệ thống quản lý minh bạch cho các giao dịch liên quan đến di sản. Điều này giúp bảo vệ giá trị của các di sản và tạo ra những cơ hội kinh tế mới thông qua việc mua bán và trao đổi các tài sản số. Ví dụ một số bảo tàng trên giới đã ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc xác thực quyền sở hữu và mở phiên đấu giá các phiên bản số của di sản.

Công nghệ NFC (Near Field Communication - kết nối không dây tầm ngắn) đang ngày càng trở nên phổ biến trong việc kết nối các vật phẩm thực với thông tin định danh số. Chip NFC cho phép truyền tải dữ liệu một cách nhanh chóng và an toàn chỉ bằng một cú chạm nhẹ, mở ra nhiều ứng dụng mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

thubuthuanluc.png

Với công nghệ vật lý số, các di sản văn hoá sẽ được bảo tồn và khai thác nhằm tạo ra những cơ hội kinh tế mới cho công nghiệp văn hoá.

Các công nghệ AR/VR/XR (thực tế tăng cường/ thực tế ảo/thực tế mở rộng), đang cách mạng hóa cách con người trải nghiệm và tương tác với thế giới xung quanh. AR cho phép bổ sung các yếu tố ảo vào thế giới thực, trong khi VR tạo ra những môi trường ảo hoàn toàn mới, và XR là sự kết hợp của cả hai. Trong lĩnh vực văn hóa và di sản, các công nghệ này mở ra những cách thức mới để giới thiệu và trải nghiệm các di sản.

Du khách có thể sử dụng AR để thấy được hình ảnh 3D của các hiện vật khi tham quan bảo tàng, hoặc sử dụng VR để tham quan các di sản từ xa một cách sống động và chân thực nhất. XR còn cho phép tạo ra những triển lãm số, nơi mà các hiện vật được trưng bày trong không gian ảo và người tham quan có thể tương tác đa giác quan với chúng một cách tự nhiên.

CEO Phigytal Labs chia sẻ, công nghệ vật lý số không chỉ mang lại những cơ hội mới cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo ra những trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn cho công chúng, mà còn mở ra những cách thức mới để khai thác và phát triển ngành công nghiệp văn hóa. 

Công nghệ này giúp bảo tồn các di sản văn hóa thông qua việc số hóa và lưu trữ thông tin chi tiết về các hiện vật. Đây sẽ là cơ sở để lưu giữ tốt di sản của cha ông, phục vụ mục đích giáo dục cho các thế hệ sau, vừa quảng bá và khai thác di sản hiệu quả cho mục đích phát triển kinh tế.

Khai thác bản quyền di sản thông qua công nghệ vật lý số giúp các tổ chức văn hóa tạo ra các sản phẩm phái sinh như ấn phẩm, phim ảnh, và trò chơi điện tử, từ đó tạo ra nguồn thu nhập bổ sung và quảng bá di sản văn hóa ra toàn cầu. Điều này hỗ trợ công tác bảo tồn và nâng cao giá trị kinh tế của di sản.

Việc sử dụng công nghệ mới trong các bảo tàng và triển lãm giúp tạo ra những trải nghiệm tham quan hấp dẫn hơn. Du khách có thể sử dụng các thiết bị di động để truy cập thông tin chi tiết về các hiện vật, tham gia vào các hoạt động giáo dục và tương tác với môi trường ảo, tạo ra sự hứng thú và thu hút hơn khi tìm hiểu về di sản văn hóa.

Hay các công nghệ như NFC và Blockchain giúp xác thực nguồn gốc và bảo vệ quyền sở hữu các hiện vật, đồng thời, tạo ra các kênh mới để quảng bá và khai thác giá trị của di sản; Giúp các tổ chức văn hóa quản lý và phát triển các di sản một cách hiệu quả hơn.

Theo Vietnamnet