Toa thuốc cho F0 chứa kháng sinh Augmentin và thuốc kháng viêm Dexame-thaxon lan truyền trên mạng
Trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, số ca F0 trong cộng đồng tăng cao, nhiều người đã tìm mua thuốc “bạn bè chỉ”; thuốc được quảng cáo trên mạng hoặc mua theo đơn thuốc trên… Facebook. Đánh vào tâm lý lo lắng của F0 khi phải điều trị tại nhà, nhiều đối tượng tranh thủ rao bán thuốc điều trị COVID-19 trên mạng xã hội hay thông qua người quen biết, qua “cò” để trục lợi.
Các loại thuốc này thường được quảng cáo là do Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ… sản xuất, “có tác dụng mạnh”, “hiệu quả chỉ sau vài ngày sử dụng”… Các loại thuốc mang danh “hàng xách tay”, giá thành cao, thường mỗi hộp có giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, tùy loại và tùy thời điểm. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên nghe theo lời đồn thổi, bởi việc mua thuốc tùy tiện, không có chỉ định của bác sĩ có thể khiến người dân mua phải loại thuốc không phù hợp. Đặc biệt, việc dùng sai thuốc điều trị COVID-19 có thể làm giảm sức khỏe, gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, lợi dụng tâm lý và nhu cầu của người dân, một số đối tượng nhập lậu thuốc không qua kiểm định, bán lại giá cao cho người tiêu dùng. Những tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng liên tục bắt giữ hàng loạt vụ buôn bán thuốc “đặc trị COVID-19”, “có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19”, “điều trị COVID-19” và hầu hết không rõ nguồn gốc.
Có thể thấy, “thuốc điều trị COVID-19” đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Trường hợp xác định mắc COVID-19, nên thăm khám tại cơ sở y tế địa phương để nhận hướng dẫn tốt nhất về mặt chuyên môn, thay vì nghe theo lời "truyền miệng" hay lời tư vấn của người bán hàng không có chuyên môn. Điều này khiến người dân mất tiền oan và nếu dùng sai thuốc thì có thể gây thiệt hại cho bản thân.
TS.BS Phạm Quang Thái (Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) xác nhận, thuốc kháng virus là thuốc bán theo đơn, chỉ dùng với những đối tượng cần phải sử dụng. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ kháng thuốc và bảo đảm đủ thuốc dành cho đối tượng thực sự cần thiết. Nếu người dân tự ý mua, sử dụng không theo chỉ định, có thể gặp nguy hiểm cho chính người sử dụng thuốc đó, vì thể trạng, sức khỏe không phù hợp.
Mặt khác, thuốc điều trị COVID-19, đặc biệt là thuốc kháng virus đều mới được nghiên cứu; đặc tính của thuốc cũng như tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tiếp. Mỗi thuốc kháng virus có chỉ định cho một số đối tượng bệnh nhân COVID-19 nhất định. Do đó, việc dùng các loại thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ.
Đồng thời, trong quá trình sử dụng, cần giám sát cẩn thận tác dụng phụ để tránh rủi ro có thể xảy ra. Những trường hợp tự ý dùng thuốc kháng virus không theo chỉ định, có thể bị ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, hoặc chức năng tiêu hóa, tiết niệu…
Trước những diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, ngày 31/1/2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định 261/QĐ-BYT về “Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà”; trong đó, có những hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, chăm sóc sức khỏe đối với F0 điều trị tại nhà, như: Việc kê đơn, cấp phát thuốc điều trị triệu chứng cho F0 tại nhà; danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho F0 tại nhà; danh mục thuốc chống viêm corticosteroid đường uống, thuốc chống đông máu đường uống…
Ngày 27/2/2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định 437/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung một số điểm của “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19”. Tại quyết định này, Bộ Y tế bổ sung hướng dẫn sử dụng 2 loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 là Molnupiravir và Remdesivir.
Thiết nghĩ, các địa phương và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong việc chọn các loại thuốc điều trị COVID-19. Đặc biệt, người mắc COVID-19 nên dựa vào những văn bản hướng dẫn, danh mục thuốc điều trị do Bộ Y tế công bố và kết quả thăm khám của cơ sở y tế để việc điều trị hiệu quả, thay vì tự ý mua thuốc điều trị hoặc tin vào những đơn thuốc “thần thánh” trên mạng để tránh rơi vào các tình huống “tiền mất tật mang”.
Theo thống kê của Bộ Y tế, phần lớn số ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây đều có triệu chứng rất nhẹ, hoặc không có triệu chứng. Vì vậy, người bệnh không nhất thiết phải sử dụng thuốc kháng virus, mà chỉ cần dùng thuốc điều trị triệu chứng, tăng cường sức đề kháng.
Thậm chí, ngay tại các bệnh viện, bác sĩ căn cứ vào triệu chứng từng bệnh nhân mới kê thuốc loại kháng virus (nếu cần thiết) và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Từ đó, nếu phát hiện dương tính với COVID-19, người dân cần bình tĩnh, không nên quá hoang mang; cần báo ngay với cơ sở y tế để được thăm khám, hướng dẫn điều trị và kê đơn thuốc phù hợp. Đặc biệt, không nên tự ý tìm mua các loại thuốc chưa rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ mua phải thuốc giả, thuốc nhái, thuốc kém chất lượng.
N.R