Dung dị sắc mai vàng Nam Bộ

09/02/2021 - 03:24

 - Đón Tết cổ truyền của dân tộc, giữa bộn bề những việc cần làm, người dân không quên chăm chút cho những cây mai vàng, bởi với người miền Nam, sẽ chưa trọn vẹn nếu Tết thiếu sắc màu vàng rực rỡ của hoa mai.

Nhiều gia đình chia sẻ, trồng mai có chăm sóc gì đâu, xem như những cây xanh khác trong nhà, hàng ngày tưới nước, lâu lâu thì bón phân, có khi quá bận rộn chuyện đồng áng mà bỏ mặc luôn. Mỗi năm, canh ngày tiễn ông Táo về trời, người già, trẻ nhỏ xúm xít lặt lá, nhắc nhau “Tết sát vách rồi”. Vậy mà đúng hẹn cây mai vẫn đâm chồi nảy lộc, hoa nở từng chùm rực rỡ. Thế mới thấy sức sống mạnh mẽ của loài hoa được nhiều người yêu mến.

Nhà anh Nguyễn Văn Hậu (xã Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang) có cây mai già hơn 30 năm. Tán mai bao phủ vừa đủ ngôi nhà nhỏ, khoảng sân hẹp khiến không gian rất ấm cúng. Anh Hậu khoe: “Trồng duy nhất 1 cây mai thôi, mà Tết tới ai cũng khen. Cây sinh trưởng lâu năm nên gần như  “trời nuôi”, năm nào cũng bung sắc. Nhiều người ngỏ ý mua mà tôi không bán, chứ tính giá trị thì cao lắm”.

Hoa mai ở miền Nam phổ biến đến nỗi được nhiều gia đình trồng làm hàng rào, uốn nắn thành cổng lớn, hoặc dành cả khoảng sân rộng để trồng hàng chục chậu tạo cảnh. Khác với giới chơi mai chuyên nghiệp hoặc những người trồng mai để bán, mai vàng trồng ở nhà không đòi hỏi cầu kỳ nghệ thuật, gia chủ thích sao thì chăm theo dáng ấy.

Nói là vậy, nhưng để có cây mai đẹp ngày Tết, nhiều bác nông dân thương mai lắm! Kinh nghiệm chơi mai của nhà nông chủ yếu theo lối “truyền khẩu”, tức người này “học lỏm” từ người kia, sau đó lại phát triển thêm theo ý cá nhân, mày mò, tạo tác, thổi hồn cho cây ra dáng, ra thế. Tên của loại hoa đặc trưng đọc chạy theo giọng Nam Bộ cũng đồng nghĩa với “may mắn”, màu vàng còn tượng trưng cho sự giàu có, sung túc nên nhà nào chăm được cây mai càng nhiều hoa, càng đẹp thì coi như đã có lộc may mắn đầu năm.

Ở ấp Tân Hậu A1 (xã Tân An, TX. Tân Châu) được gọi là “xóm mai” vì nơi đây nhà nào cũng trồng rất nhiều mai vàng, từ cây trong đất đến mai vào chậu, có nhà trồng cả chục cây mai lâu năm. Ngày Tết, “xóm mai” khoe rực rỡ cả một vùng, tô điểm làng quê thêm nổi bật giữa cờ hoa, không khí càng phấn khởi. Những cây mai cao quá đầu người, cành tỏa đều cân đối, vươn lên như hàng hàng cánh tay đón nắng và chi chít nụ khiến người ngắm phải mê mẩn.

Ông Nguyễn Hồng Nê có cả vườn mai lớn trước sân tâm đắc: “Không thấy mai nở thì thôi, chứ tận mắt nhìn thấy thì cảm xúc là xuân đến trong lòng thật sự, đẹp lắm, thấy vui lắm! Sắc mai tô đẹp cho ngôi nhà ngày xuân và ai cũng tin rằng đó là điều may mắn cho 1 năm tiếp theo”.

Ông Nguyễn Thanh Khiêm, một trong những hộ dân sở hữu nhiều cây mai dảo đẹp nhất trong ấp cho biết, muốn mai trổ đúng dịp Tết phải có kỹ thuật, quan sát thời tiết và nụ mai trổ mà canh ngày lặt. “Cây mai nở rộ đầu năm mới đem lại tinh thần vui vẻ, may mắn cho mọi người, thành ra xóm tui ai cũng thích mai. Chăm được vườn mai dù lớn hay nhỏ mà nở rộ cũng coi như “trúng” mùa mai Tết, dù mục đích trồng để đẹp nhà cửa chứ không phải làm kinh tế” – ông Khiêm chia sẻ.

Hoa mai nở không chỉ tôn vinh vẻ đẹp rạng ngời cho ngày xuân, mà còn là văn hóa, phản ánh nhân sinh quan của người dân, trở thành biểu tượng độc đáo cho văn hóa Tết Nam Bộ. Mai vàng phổ biến là mai có hoa 5 cánh, ngoài ra còn có mai trâu cho hoa to, mai sẻ cho hoa liền cành, mai thơm… một số mai được lai tạo, ghép để có nhiều cánh, lâu tàn. Nét đẹp đặc biệt ở vùng nông thôn là những ngôi nhà xưa, mái ngói, cất sàn cùng khoảng sân rất rộng. Trồng mai trong chậu khó hơn trồng dưới đất, vì phải thay đất nhiều lần trong năm, cấp đủ dinh dưỡng cho cây. Bù lại, muốn đặt đâu cũng được, dễ di chuyển để trang trí và thưởng ngoạn.

Không chỉ rực rỡ trong nắng xuân, những cây mai còn lung linh về đêm nhờ được gia chủ trang trí thêm đèn màu, bao lì xì, phụ kiện thỏi vàng, con cá… Ngày Tết có đôi chậu mai vàng để bên hiên nhà hay cội mai già rực rỡ trước sân thì còn gì bằng. Với những cây lâu năm, nhánh mai được tuyển cắt để chưng trong lục bình trên bàn thờ gia tiên, tạo nên một không khí thiêng liêng.

Mỗi khi xuân đến, cây mai trút những chiếc lá già cỗi cuối đông, nhường chỗ cho chồi non và hoa vàng nở đầu xuân, là nét đẹp của những làng quê nói riêng và của miền Nam nói chung. Sự “lột xác” của mai trong mỗi chu kỳ xuân đến cũng như con người, sau một năm với những hỉ, nộ, ái ố đều được gác lại, sẵn sàng cho những khởi đầu hoàn hảo và thịnh vượng hơn.

MỸ HẠNH