Đừng làm "Giặc dốt" thời chống dịch

12/08/2021 - 06:55

 - Thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch COVID-19 vẫn có những cá nhân trở thành “giặc dốt” bởi sự thiếu ý thức, thiếu hiểu biết. Họ không đóng góp cho cộng đồng, mà còn gây khó khăn, vất vả cho lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch bởi sự thiển cận của mình!

Những ngày qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến khó lường với hàng ngàn ca bệnh mới được phát hiện trong cả nước mỗi ngày. Nhìn vào con số, bất cứ ai cũng lo lắng, bởi nó phản ánh mức độ nguy hiểm cũng như khả năng lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2. Do đó, việc tự bảo vệ mình trong thời điểm này là yếu tố quan trọng nhất để mỗi người, mỗi nhà được bình yên trước “giặc dịch”.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những cá nhân chấp nhận làm “giặc dốt” trong thời điểm này. Cần phải nói rằng, “dốt” ở đây không phải mù chữ! “Dốt” chính là mù thông tin đúng (hoặc có thể do họ cố tình), là sự bất chấp quy định phòng, chống dịch của nhà nước và cố tình không hiểu hoặc hiểu sai về những quy định ấy. Rõ ràng, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã được tuyên truyền đến người dân bằng nhiều cách, nhiều hình thức, từ phương tiện thông tin đại chúng đến hệ thống truyền thanh cơ sở… gần 2 năm nay với cường độ, tần suất dày đặc. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những trường hợp cá biệt gây ảnh hưởng đến hiệu quả chung của công tác phòng, chống dịch.

Hãy đồng lòng để cùng chống dịch COVID-19

Những ngày qua, báo chí cũng như mạng xã hội đã đăng tải một số pha “thông chốt” của vài quái xế, hay những tình huống đôi co với lực lượng chức năng của một số người, khi họ vi phạm quy định phòng, chống dịch. Cũng không hiếm những người lên mạng xã hội kêu ca rằng: ở nhà bí bách quá hoặc không cho ra đường mưu sinh thì sẽ đói, sẽ chết trước khi hết dịch… Rồi từ lý lẽ đó, xuất hiện những cá nhân đòi cho bằng được cái “quyền ra đường” lúc này và sẵn sàng động tay, động chân với lực lượng chức năng. Táo tợn hơn, còn có mấy trường hợp F0 ở huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) cầm dao chống đối y, bác sĩ rồi cố tình lây bệnh bằng cách lao vào ôm các nhân viên y tế, vì lý do không được mang thuốc lá vào khu cách ly tập trung!

Tại An Giang cũng có trường hợp chống đối người thi hành công vụ của bà Trần Thị Tuyền (42 tuổi, ngụ ấp Hòa Hưng 1, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân). Người phụ nữ này sẵn sàng “phi thân” tát vào mặt một công an viên (lực lượng phòng, chống dịch của địa phương) khi chồng bị lập biên bản xử lý vi phạm về lỗi ra đường không thật sự cần thiết theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Lý do mà ông Nguyễn Phú Cường (chồng bà Tuyền) đưa ra là: “Do ở nhà buồn, nên đến nhà của thằng em chơi” quả thật làm nhiều người bất ngờ! Có thể khẳng định, “buồn” lúc này sẽ không chết! Nếu chẳng may nhiễm virus SARS-CoV-2 vào người mới có thể nguy hiểm tính mạng. Nguy hại hơn, nó còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn tính mạng của rất nhiều người mà cụ thể là người thân, con cháu trong gia đình của vợ chồng này. Việc chống đối người thi hành công vụ rồi sẽ bị xử lý nghiêm, nhưng hành động của người phụ nữ này còn cho thấy ý thức kém, xem nhẹ sự an toàn của cộng đồng của một bộ phận người dân trong thời điểm cả nước, thế giới đang cùng nhau chống dịch!

Chúng ta cần hiểu rằng, lây nhiễm SARS-CoV-2 chủ yếu do di chuyển và tiếp xúc nên việc ở yên trong nhà, “Ai ở đâu ở đấy” là nhiệm vụ nhẹ nhàng nhất, dễ thực hiện nhất và mang ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống lại “giặc dịch” COVID-19. Bạn hãy đặt mình vào vị trí của những người đang ngày đêm bám chốt trên những tuyến đường hay tận miền biên giới xa xôi, "ăn gió, nằm sương", vật vờ giấc ngủ để giữ gìn sự bình yên cho xã hội. Hay bạn cũng có thể đặt mình vào vị trí của những y, bác sĩ đang gồng mình chống dịch, mấy tháng hay thậm chí cả năm không được về nhà và ngày đêm luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cực cao trong các khu cách ly, khu điều trị.

Dịch bệnh rồi sẽ bị đẩy lùi với sự nỗ lực của nhà nước, Chính phủ, các ngành, địa phương và nhất là sự đồng lòng của người dân. Khi đó, cuộc sống sẽ trở về trạng thái bình thường mới, chúng ta rồi sẽ ra đường, sẽ lại mưu sinh và sẽ “hết buồn”. Như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nói: “Chắc chắn phong tỏa là bất tiện vô cùng! Nhưng chúng ta không thể làm khác. Nếu chúng ta làm tốt, thì chúng ta có thể kiểm soát tốt, rồi chúng ta có thể quay lại bình thường được. Còn nếu chúng ta không kiên quyết ngay từ đầu, chúng ta ngại khó, ngại khổ thì chúng ta sẽ không lường trước được hậu quả!”.

Bởi thế, trách nhiệm của chúng ta lúc này là “Ai ở đâu ở đấy” và chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch như bao nhiêu người khác. Và quan trọng nhất là đừng để mình trở thành “giặc dốt” trong thời chống dịch với những hành động khác người. Bởi lẽ, nếu bạn có thể lách được quy định, lách được ngành chức năng nhưng có chắc rằng mình lách được virus SARS-CoV-2 hay không?.

THANH TIẾN