EU tạm miễn thuế đối với vật tư y tế nhập khẩu do COVID-19

04/04/2020 - 09:05

Ngày 3-4, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua quyết định miễn thuế hải quan và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các thiết bị y tế và trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) nhập khẩu từ các nước bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Cờ Liên minh châu Âu bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, các bộ kit xét nghiệm, máy thở và một số thiết bị y tế khác sẽ được miễn thuế trong 6 tháng.

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế, ông Paolo Gentiloni trong một thông cáo cho biết: “Trong trường hợp khẩn cấp này, điều quan trọng là các trang thiết bị và vật tư y tế phải nhanh chóng đến nơi cần thiết”.

“Quyết định miễn thuế hải quan và thuế VAT đối với các sản phẩm nhập khẩu này từ các quốc gia ngoài EU sẽ giúp các nước thành viên EU dễ dàng tiếp cận các sản phẩm này hơn trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19”, ông Paolo Gentiloni nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 20-3, EC đã tham vấn tất cả các nước thành viên EU và Anh về việc miễn thuế hải quan và thuế VAT đối với các trang thiết bị PPE, bộ kit xét nghiệm và máy thở. Sự nhất trí cao từ các bên tham gia đã dẫn đến quyết định miễn thuế của EC được đưa ra.

Đồng thời, EC tuyên bố các nước EU sẽ cố gắng sản xuất, nhập khẩu số lượng lớn máy thở để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh các nước thành viên khối EU đang thiếu thốn các trang thiết bị và vật tư y tế cần thiết.

EC hiện đang thay mặt các nước thành viên EU lựa chọn các nhà cung cấp và đàm phán để đảm bảo mức giá phù hợp và giảm sự cạnh tranh giữa các nước. Sau khi tiến trình này hoàn tất, các nước thành viên EU sẽ chủ động thương lượng với các nhà cung cấp máy thở về số lượng cụ thể họ cần.

Theo trang thống kê dữ liệu trực tuyến worldometers.info, tính đến 8h sáng 4/4 (giờ Việt Nam), dịch COVID-19 đã lây lan tới 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 1.097.810 ca nhiễm, trong đó 59.140 ca tử vong và 228.405 người đã được điều trị khỏi bệnh. Hiện Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp tiếp tục là điểm “nóng” nhất châu Âu về tình hình dịch bệnh.

Tính đến nay, Italy ghi nhận có 119.827 ca nhiễm COVID-19 và 14.681 ca tử vong. Trong vòng 24h qua, nước này ghi nhận có thêm 4.585 ca nhiễm mới và 766 ca tử vong do COVID-19. Tại vùng tâm dịch Lombardy, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 hiện là 46.065 trường hợp, trong đó có 7.960 người tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký quyết định kéo dài tình trạng phong tỏa trên cả nước tới ngày 13/4. Thủ tướng Giuseppe Conte cũng khẳng định chưa có cơ sở để các quy định hạn chế sẽ được nới lỏng sau ngày 13/4 và các quyết định của chính phủ sẽ dựa trên ý kiến của hội đồng khoa học.

Tại Tây Ban Nha, quốc gia này ghi nhận có 119.199 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 11.198 ca tử vong. Trong vòng 24h qua, nước này ghi nhận có 7.134 ca nhiễm mới và 850 ca tử vong. Tây Ban Nha đang là quốc gia có số người tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Italy.

Bộ Lao động nước này cho biết một trong các hậu quả lớn của dịch bệnh là số người thất nghiệp trong tháng 3 tăng thêm 302.265 người, mức tăng cao nhất hàng tháng ở nền kinh tế lớn thứ 4 EU sau khi ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 14-3.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã áp đặt một trong những lệnh phong tỏa chặt chẽ nhất châu Âu, chỉ cho phép nhân viên làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu được tự do đi lại và đi làm.

Đức tính đến nay cũng ghi nhận có tổng cộng 91.159 ca mắc COVID-19 và 1.275 ca tử vong. Ngày 3/4, trong một thông điệp được đăng tải trên video, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi tất cả công dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp hạn chế tiếp xúc nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, ngay cả vào dịp Lễ Phục sinh.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Merkel nói rằng đã có những dấu hiệu cho thấy hiệu quả từ các biện pháp hạn chế, sự lây lan virus SARS-CoV-2 đã chậm lại, nhưng bà chưa thể đưa ra thời hạn kết thúc đối với các hạn chế và cho rằng, điều này sẽ là vô trách nhiệm trong tình hình hiện tại.

Trong vòng 24h qua, nước Pháp báo cáo thêm 1.120 ca tử vong vì COVID-19, một con số kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Như vậy tổng số ca tử vong tại Pháp đã lên 6.507 trường hợp, gần gấp đôi so với Trung Quốc, trong tổng số 64.338 ca nhiễm virus. Giới chức y tế nhấn mạnh rằng Pháp chưa chạm đến đỉnh dịch, tình hình còn quá phức tạp nên chưa thể tính đến việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại.

Theo HOÀI HÀ (Đảng Cộng Sản Việt Nam)