Sản phẩm "nón lá sen" của Nguyễn Thanh Thảo. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN
Đây là sự kiện kinh tế và văn hóa lớn, nhằm tôn vinh các giá trị tinh hoa của di sản, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề thủ công truyền thống, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Festival Nghề truyền thống Huế là nơi hội tụ trí tuệ và tài năng của các nghệ nhân đến từ các làng nghề của Thừa Thiên - Huế và nhiều địa phương trong cả nước, nghệ nhân các thành phố nhiều nước có quan hệ hữu nghị, hợp tác với Huế.
Thông tin trên được Ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế năm 2019 cho biết tại cuộc họp báo diễn ra sáng 5/4 tại Hà Nội.
Tại họp báo, Ban tổ chức cho biết: Festival Nghề truyền thống Huế 2019 gồm 16 nhóm nghề: Thêu, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, đồng, gốm, nón lá, hoa giấy, thư pháp, tranh, diều, dệt - may, mây tre, pháp lam, nhang trầm, tinh dầu, lân - sư - rồng, các sản phẩm có thương hiệu và truyền thống lâu đời. Festival năm nay có sự tham gia của 62 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, “bàn tay vàng” đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đà Lạt, Đồng Tháp, Hưng Yên và Thừa Thiên - Huế.
Festival giới thiệu đến công chúng sản phẩm độc đáo của các nghề, làng nghề truyền thống, sản phẩm y học cổ truyền vốn là đặc trưng của Huế. Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019 sẽ tổ chức cho các thầy thuốc đông y khám chữa bệnh và phô diễn tài năng. Ngoài các chương trình có dấu ấn từ Festival trước như Lễ hội Áo dài, Lễ tế tổ bách nghệ - Lễ rước tôn vinh nghề, Lễ hội ẩm thực, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Huế, Festival lần này sẽ có thêm Lễ hội hoa, chương trình nghệ thuật của các ca sĩ nổi tiếng đến từ Hàn Quốc...
Ban tổ chức đã bố trí, sắp đặt nhiều không gian với hình thức trang trí đẹp, mang tính nghệ thuật như: Không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; không gian giới thiệu sản phẩm truyền thống của các thành phố quốc tế; không gian sen và thổ cẩm; không gian lụa và áo dài (trong đó có dịch vụ may áo dài nhanh)... Mỗi không gian là một câu chuyện về nghề, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế.
Tranh sen của Nguyễn Thanh Thảo. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn bố trí một không gian đi bộ và cảnh quan với cầu đi bộ trên sông Hương kết nối với hệ thống đường đi bộ bờ Nam sông Hương cùng phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu... Tất cả tạo thành một không gian nên thơ trải dài dọc bờ sông Hương với nhiều hoạt động hấp dẫn trong ngày hội Festival.
Festival Nghề truyền thống Huế cũng từng bước hướng đến tính quốc tế với sự tham gia của các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng đến từ một số quốc gia trên thế giới thông qua mối quan hệ hợp tác hữu nghị mà Huế với uy tín của mình đã thiết lập. Tổng cộng có 17 đoàn khách quốc tế và 11 thành phố, tổ chức quốc tế tham dự như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ...
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống nhấn mạnh: Việc tổ chức Festival trước hết thể hiện trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Huế để xây dựng Huế thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam như nhiệm vụ được Thủ tướng giao. Đây cũng là trách nhiệm với các nghề truyền thống không chỉ của Huế mà của Việt Nam, tôn vinh các giá trị nghệ thuật, tôn vinh các làng nghề, các nghệ nhân – những người đóng góp, cống hiến cho nghề truyền thống Việt Nam.
Festival không chỉ là sự kiện văn hóa, du lịch mà còn là sự kiện kinh tế, chính trị, mang lại lợi ích cho các nghệ nhân, làng nghề. Đây là ý nghĩa thiết thực mà Festival mang lại. Tính xã hội hóa, chuyên nghiệp của Festival ngày càng được nâng cao. Mục tiêu của Huế là quốc tế hóa sự kiện Festival Nghề truyền thống Huế, nơi giao lưu hội tụ của các thành phố trong nước, quốc tế, nhất là các thành phố di sản, thành phố lịch sử…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung chia sẻ: Vùng đất Huế là nơi giao thoa văn hóa Việt - Chăm, trải qua 9 đời chúa, 13 đời vua Nguyễn đã tạo ra nhiều giá trị văn hóa đặc biệt. Văn hóa là tài sản lớn nhất của Huế, những nét độc đáo đặc trưng của Huế cũng là những nét đại diện cho đất nước Việt Nam, trong đó có nghề truyền thống. Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế thường xuyên tổ chức các hoạt động Festival để bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa Việt, sản phẩm du lịch nổi trội, khác biệt của Huế giới thiệu với bạn bè trong nước, quốc tế. Festival Nghề truyền thống Huế cũng là hoạt động góp phần tiếp tục quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống, sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế đến với du khách, hướng tới phát triển du lịch bền vững...
Theo THANH GIANG (Báo Tin Tức)