Những phiên tăng giá liên tiếp của mã VFS (VinFast) đang cho thấy sức hấp dẫn của hãng xe điện Việt Nam cũng như niềm tin của giới đầu tư quốc tế vào tiềm năng của VinFast. Quy mô tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng tính theo thị giá cổ phiếu nhờ thế cũng liên tục thăng hạng trên bảng xếp hạng các tỉ phú thế giới của Forbes.
Tuy nhiên, đáng chú ý, mới đây, Forbes đã bất ngờ thay đổi cách định giá VinFast, theo hướng tính hệ số giá/doanh thu và tham chiếu từ mức giá trung bình của các công ty xe điện khác như Lucid, Neo hay Tesla thay vì theo diễn biến thực tế trên sàn.
Cách tính mới ngay lập tức đã khiến dư luận chú ý khi giá trị VinFast chỉ còn khoảng hơn 2 tỉ USD, đồng thời cập nhật lại tài sản của ông Phạm Nhật Vượng là 6,9 tỉ USD (thời điểm 22h ngày 30/8/2023).
Cách tính này đang gây tranh cãi. Lâu nay, Forbes đều thống nhất cách tính dựa trên giá cổ phiếu niêm yết. Việc tăng, giảm trừ nếu có, cũng chỉ với một số trường hợp, theo tỉ lệ phần trăm nhất định nhưng vẫn dựa vào phương pháp trên.
Có thể thấy trong cùng một sân chơi mà áp dụng các hệ quy chiếu khác nhau để tính toán thì khá bất nhất. Khi VinFast đã được niêm yết trên Nasdaq, cổ phiếu giao dịch công khai, nhà đầu tư mua bán theo quy định thị trường.
Ngay cả con số hơn 2 tỉ USD cũng đã là thiếu thực tế bởi chỉ tính riêng phần tài sản là hệ thống tổ hợp sản xuất, máy móc trang thiết bị… tới các chi phí lớn như R&D, giá trị của VinFast đã gấp nhiều lần mức tính toán của Forbes.
VinFast là hiện tượng quá mới trong khi có thể Forbes chưa tiến hành thẩm định chuyên sâu nên đưa ra cách tính chưa sát thực tế.
Cổ phiếu VinFast có lúc tăng 16% trước giờ mở cửa phiên 30/8.
Cách đây mấy năm, quả thật là có “cơn bão xe điện” trên thị trường huy động vốn. Tuy nhiên, bối cảnh thời điểm ấy rất khác.
Những cái tên như Lordstown Motors, Nikola hay Lucid từng được định giá thậm chí huy động cả tỉ USD nhưng thực tế mới giao vài trăm xe vào thời điểm lên sàn. Có những hãng như Lordstown Motors sau nhiều năm chỉ sản xuất được… 19 xe rồi nộp đơn xin phá sản.
Nhưng đó là thời kì nhà đầu tư đầu tư theo phong trào, và các startup xe điện hưởng lợi lớn dù không có cở sở hay tiềm năng thực sự vững chắc nào.
Tuy nhiên, theo thời gian, các nhà đầu tư hiện vô cùng cẩn trọng và khắt khe khi đánh giá startup xe điện. Hơn thế, VinFast cũng ở vị thế hoàn toàn khác so với các hãng xe điện. Trước khi chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq, hãng xe Việt Nam đã có trong tay hệ thống nhà máy hiện đại, tới sản phẩm xe điện ở đầy đủ các phân khúc và đặc biệt là hàng vạn sản phẩm đã tới tay người dùng.
Thậm chí, sức ảnh hưởng của VinFast sớm đã vượt khỏi Việt Nam, với sự hiện diện ở Mỹ, châu Âu, xe điện tới tay người dùng thế giới, đặc biệt là nhà máy sản xuất trị giá hàng tỉ đô la vừa được khởi công tại Bắc Carolina.
Tất cả những khác biệt ấy, khiến việc VinFast bị soi xét như một SPAC trong lĩnh vực xe điện nhiều năm trước là không thỏa đáng.
“Hiện tượng” VinFast thực tế vẫn đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và có biên độ dao động mạnh.
Tuy nhiên, theo thời gian, VFS sẽ dần đi vào quỹ đạo ổn định và với sự đón nhận tốt của người dùng, mức giá thực tế của VFS sẽ do chính thị trường quyết định.
Nguyễn Thành Nhân
Chuyên gia khai thác, phân tích dữ liệu kinh tế
Theo Vietnamnet