Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AFP)
Bằng việc chiếm quyền điều khiển website, tin tặc có thể gây ra rất nhiều vấn đề rắc rối cho các chủ website: đánh cắp dữ liệu, cài đặt mã độc, phá hoại website, tạo trang lừa đảo (phishing), tống tiền…
Theo đại diện CyStack, cho đến hiện tại, còn nhiều website chưa được khôi phục và loại bỏ các dấu hiệu tấn công do hacker để lại. Cụ thể là 21,48% website bị tấn công ở tháng Bảy vẫn chưa được khắc phục; số liệu ở tháng Tám và tháng Chín lần lượt là 33,87% và 44,08%. Điều này cho thấy rất nhiều chủ sở hữu và quản trị website không quan tâm đến bảo mật cho website của mình, không biết mình đã bị tấn công hoặc không biết cách xử lý sự cố.
Số lượng website bị hack và tình trạng khắc phục trong quý 3. (Nguồn: CyStack)
Thống kê của CyStack cũng chỉ ra rằng, có tới hơn 60.000 website có tên miền .com bị tấn công. Đây cũng là loại tên miền được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Ngoài ra, một số tên miền quốc gia cũng là mục tiêu tấn công hàng đầu của tin tặc như: .in (Ấn Độ), .ru (Nga), .hk (Hồng Kông), .id (Indonesia)…
Bên cạnh đó, gần 50% các website bị tấn công có máy chủ đặt tại Mỹ, sau đó là Đức và Indonesia; 85,4% website bị tấn công sử dụng hệ điều hành Linux và chỉ có 7,01% sử dụng hệ điều hành Windows…
Thống kê theo phân loại website tại Việt Nam bị hacker tấn công trong quý 3. (Nguồn: CyStack)
Tại Việt Nam, số liệu chỉ ra rằng, các website giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của Doanh nghiệp là đối tượng bị tin tặc tấn công nhiều nhất, chiếm tới 71,51%. Xếp sau đó là các website Thương mại điện tử chiếm 13,86%. Các website có tên miền .gov.vn của chính phủ chỉ chiếm 1,9% trong danh sách này với tổng số 23 website bị tấn công.
Theo TRUNG HIỀN (VIETNAM+)