Áp lực xã hội ở Nhật Bản có thể khiến hikikomori tự cô lập mình khỏi bạn bè và gia đình trong nhiều tháng. Ảnh: Getty Images
Theo báo Anh Guardian, Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 31/3 cho biết một số lượng lớn “hikikomori” – thuật ngữ chỉ những người tự giam mình trong nhà và không giao tiếp với bất kỳ ai ngoài gia đình liên tục trong vòng sáu tháng - đã chọn rời xa xã hội do gặp các vấn đề về mối quan hệ cá nhân và công việc. Một tỷ lệ đáng kể - 20,6% - cho rằng tình trạng khó khăn của bản thân bắt nguồn từ những thay đổi trong lối sống do đại dịch gây ra. Con số 1,5 triệu mà cuộc khảo sát đưa ra tương đương với 2% số người trong độ tuổi 15-62.
Trước đó, vào tháng 11/2022, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã khảo sát 30.000 người trong độ tuổi từ 10 đến 69 trên khắp cả nước. Cuộc thăm dò cho thấy hơn 1/5 số người được hỏi hoàn toàn tự cô lập bản thân từ sáu tháng đến dưới một năm. Hơn 20% cho biết họ gặp vấn đề với các mối quan hệ giữa cá nhân, trong khi hơn 18% dẫn lý do đại dịch.
Trong số những người ở độ tuổi 40-64, 44,5% cho biết sự thay đổi trong lối sống của họ bắt nguồn từ nguyên nhân nghỉ việc.
Một quan chức thuộc Cơ quan Trẻ em và Gia đình cho biết không rõ liệu số lượng hikikomori có đang tăng lên hay không khi tính đến sai số của cuộc khảo sát.
Trong 3 năm đại dịch, mặc dù Nhật Bản không áp dụng các biện pháp phong tỏa diện rộng trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nhưng người dân được yêu cầu không ra ngoài nếu không cần thiết trong thời gian dài, đồng thời một số nhà tuyển dụng và trường đại học khuyến khích làm việc và học tập từ xa.
Trên những con phố trước kia thường tấp nập người qua lại, lượng người đã giảm đáng kể sau khi các nhà hàng, quán bar và các khu vực giải trí ban đêm khác được yêu cầu ngừng phục vụ và đóng cửa sớm nếu không sẽ bị phạt.
Sự gia tăng số lượng người hikikomori đã khiến một số chính quyền địa phương phải hành động. Edogawa, một phường ở Tokyo, sẽ tổ chức các sự kiện xã hội hóa áp dụng công nghệ metaverse từ tháng 6 tới để tạo cơ hội cho hikikomori gặp gỡ mọi người thông qua hình ảnh đại diện ảo.
Theo một cuộc khảo sát năm 2021, phường này là nơi sinh sống của hơn 9.000 người tự nhận mình là hikikomori, bao gồm cả học sinh đã nghỉ học.
“Chúng tôi không nghĩ rằng mọi thứ sẽ được giải quyết với công nghệ metaverse. Tất nhiên có thể phương pháp đó sẽ hữu ích cho một số người. Chúng tôi đang nhắm đến những người không thể rời khỏi phòng của họ và không tương tác với người khác. Chúng tôi muốn giúp họ tiến thêm một bước”, quản lý phường Takeshi Saito nói với báo Mainichi Shimbun.
Theo Báo Tin Tức