Hiện nay, tại các buổi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến lo ngại khai thác cát khiến sạt lở bờ sông trở nên nghiêm trọng hơn. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang, nguyên nhân gây sạt lở được các nhà khoa học đánh giá do yếu tố tự nhiên và yếu tố con người. Đó là diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mekong gây thiếu bùn cát bồi lắng; yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo.
An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung là vùng đất trẻ, nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn. Sự tác động của sông nước, biên độ chênh lệch của đỉnh triều - chân triều và nhiều dòng sông giao nhau làm cho dòng chảy không bình thường, tạo thành dòng chảy xoáy. Về yếu tố con người, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (ghe tàu, khai thác cát trái phép, xây dựng, vận tải 2 bên bờ sông…) làm tăng tải trọng, vượt khả năng chịu tải của bờ sông.
Như vậy, khai thác cát sông chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây sạt lở bờ sông. Trong khi đó, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực ĐBSCL và của tỉnh An Giang là công việc rất cấp bách. Đặc biệt, đáp ứng công trình giao thông kết nối vùng ĐBSCL, tỉnh lộ vào tuyến cao tốc, quốc lộ, đường vành đai, như: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (145km, hơn 6 triệu m3 cát), tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên (1,4 triệu m3 cát), Quốc lộ 91C, tuyến N1 Tân Châu - Châu Đốc (2 triệu m3 cát). Chưa kể, 11 tỉnh lộ, hệ thống giao thông nông thôn, công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đang được đầu tư, cần khoảng 14 triệu m3 cát. Do đó, cần huy động trữ lượng tài nguyên từ mỏ cát mới đáp ứng nguồn vật liệu san lấp; nhưng vẫn phải hài hòa giữa việc khai thác cát và phòng, chống sạt lở.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh An Giang có giải pháp cân đối phù hợp nguồn cát để phục vụ hàng loạt công trình. Cụ thể, trên các đoạn sông Tiền, sông Hậu thuộc huyện Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành, UBND tỉnh cấp phép khai thác, thu hồi khoáng sản cho 3 khu mỏ và 5 dự án chỉnh trị. Tất cả nằm trong Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh giai đoạn 2008 - 2020, định hướng đến năm 2030 (được HĐND tỉnh thông qua ngày 9/12/2016). Đồng thời, được Sở TN&MT, Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Mỗi dự án đều được triển khai đúng hồ sơ báo cáo đã được phê duyệt. Quá trình khai thác, nếu ảnh hưởng đến người dân, xảy ra sự cố, phải bồi thường thiệt hại.
Để kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của các đơn vị, Sở TN&MT lắp đặt hệ thống giám sát (lắp thiết bị định vị trên phương tiện khai thác, lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động 24/24 giờ xung quanh khu vực khai thác). Định kỳ 2 lần/năm, tỉnh đo địa hình đáy lòng sông tại khu vực khai thác, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm.
Ngoài ra, Sở TN&MT An Giang tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, định kỳ kiểm tra hoạt động khai thác của các khu mỏ (4 lần/năm); phối hợp Công an tỉnh kiểm tra, xử lý vi phạm. Thời gian tới, đơn vị cam kết tiếp tục phối hợp đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản, để việc khai thác mang tính bền vững, giảm thiểu tối đa tác động đến đường bờ.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu giải pháp thay thế, giảm tải gánh nặng cho cát sông. Trả lời ý kiến này, Sở TN&MT cho biết, Bộ Xây dựng đang đánh giá, nghiệm thu nghiên cứu về “Điều tra, khảo sát tình hình sử dụng các nguồn cát biển, cát nhiễm mặn trong xây dựng”, “Cát nhiễm mặn cho bê-tông và vữa xây dựng - yêu cầu kỹ thuật”. Khi các nghiên cứu này có kết quả, ngành chuyên môn sẽ áp dụng thay thế cát sông.
Ngoài ra, để chủ động nguồn vật liệu san lấp (khoảng 18 triệu m3 cát) phục vụ thi công dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam phía đông, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau giai đoạn I (2021 -2025), Bộ Giao thông vận tải đang đề nghị cho phép đơn vị khai thác khoảng 5.000m3 cát biển tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Đây là hoạt động thi công thí điểm, phục vụ nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL.
Hy vọng, sự chủ động tìm nguồn vật liệu thay thế cát sông của các bộ, ngành Trung ương phần nào đáp ứng nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông; hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên cát sông - vốn đang ngày càng thiếu hụt như hiện nay.
VẠN LỘC