Giá điện còn 5 bậc, người dân có được lợi?

23/11/2023 - 08:58

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được đề xuất giảm từ 6 bậc hiện hành xuống còn 5 bậc, với mức giá cao nhất là hơn 3.612 đồng/KWh

Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới, thay thế cho Quyết định 28 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Thay đổi lớn tại lần sửa đổi này là rút ngắn số bậc trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống còn 5 bậc.

Dùng nhiều chịu giá cao

Tại dự thảo, Bộ Công Thương đưa ra phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt còn 5 bậc theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị tư vấn nhưng có thay đổi về cơ cấu tỉ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân.

Cụ thể: Bậc 1 (mức sử dụng điện từ 0 - 100 KWh) có giá là 1.806,11 đồng/KWh; bậc 2 (101 - 200 KWh) có giá 2.167,33 đồng/KWh; bậc 3 (201 - 400 KWh) có giá 2.729,23 đồng/KWh; bậc 4 (401 - 700 KWh) có giá là 3.250,99 đồng/KWh và bậc 5 (từ 701 KWh trở lên) có giá 3.612,22 đồng/KWh. Các mức giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Với phương án đề xuất này, bậc có giá thấp nhất cho hộ gbiểu giá điện gia đình dùng là từ 100 KWh trở xuống, thay vì 50 KWh như hiện nay; còn bậc cao nhất từ 701 KWh trở lên. Cơ cấu giá điện bậc thang tính theo giá bán lẻ điện bình quân (2.006,79 đồng/KWh) lần lượt là 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 136% (bậc 3), 162% (bậc 4) và 180% (bậc 5).

Ngoài rút gọn số bậc thang, Bộ Công Thương cho biết ở lần chỉnh sửa này, giá điện cho từng bậc cũng được thiết kế lại theo nguyên tắc hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện. Cụ thể, giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0 - 100 KWh nhằm bảo đảm ổn định giá điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401 - 700 KWh và trên 700 KWh. Ngoài ra, giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101 - 200 KWh và 201 - 300 KWh. "Giá điện cho các bậc từ 401 - 700 KWh và từ 701 KWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp" - Bộ Công Thương nêu rõ.

Cũng theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án điều chỉnh giảm bậc này là đơn giản, người dân dễ hiểu. Còn việc ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn, nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn; đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.

Bộ Công Thương đưa ra ví dụ: Một hộ gia đình sử dụng 300 KWh/tháng, với quy định hiện hành, số tiền điện phải trả là 673.200 đồng, còn theo phương án điều chỉnh là 670.277 đồng. Như vậy, số tiền phải trả hằng tháng của hộ sử dụng 300 KWh/tháng thay đổi không đáng kể giữa quy định hiện hành và phương án đề xuất.

Từ đó, bộ này cho rằng mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc tăng chênh lệch giá giữa bậc thang đầu và bậc thang cuối.

Nguồn: Bộ Công Thương - Đồ họa: VFA

Rút ngắn bậc là phù hợp

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết quá trình lấy ý kiến cho dự thảo quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này ghi nhận 92,2% đề xuất lựa chọn phương án rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc và thay đổi cơ cấu giá so với giá bán lẻ điện bình quân.

Nêu quan điểm ủng hộ phương án điều chỉnh của Bộ Công Thương, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhìn nhận việc thiết kế biểu giá điện 5 bậc sẽ tạo thuận lợi, đơn giản trong áp dụng; qua đó người dân sẽ dễ dàng theo dõi thông tin tiền điện dựa trên biểu giá hợp lý.

Ông Long góp ý thêm biểu giá điện khi cải tiến cần bảo đảm chính sách an sinh xã hội thông qua việc quy định mức giá thấp cho những bậc đầu trong biểu giá, để hỗ trợ nhóm khách hàng sử dụng điện thấp. Việc tính toán giá điện từng bậc trong biểu giá 5 bậc cần tuân thủ nguyên tắc là tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc phải cân bằng với tổng doanh thu của giá điện bình quân.

Góp ý về dự thảo, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhằm khắc phục một số tình trạng hạn chế, như giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của doanh nghiệp. Theo cơ quan này, điện cho sản xuất có thời điểm bằng 52% giá bình quân, trong khi giá đối với hộ nghèo chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng bằng 90% giá bình quân.

Đối với ý kiến nêu trên, Bộ Công Thương giải thích việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo các giai đoạn khác nhau, thực hiện theo lộ trình nhằm thực hiện quy định tại Nghị quyết số 55- NQ-TW năm 2020 của Bộ Chính trị. "Trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế đang được phục hồi sau đại dịch COVID-19, đề xuất phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện ở mức tối thiểu một mặt vẫn bảo đảm giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách nhưng không gây tác động quá lớn tới người dân và doanh nghiệp" - Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thiết kế và lựa chọn các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phải thực hiện được chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp theo quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 

Theo MINH CHIẾN (Người lao động)