Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ngày 6/9 quay đầu giảm mạnh 10 USD/tấn so với phiên 5/9, về ngưỡng 633 USD/tấn; gạo 25% tấm cũng giảm 10 USD/tấn về mức 618 USD/tấn. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 19/7 đến nay.
Song, giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam vẫn cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan lần lượt 5 USD/tấn và 43 USD/tấn; cao hơn 20 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Pakistan và 75 USD/tấn với gạo 25% tấm.
Trong khi đó, giá lúa gạo trong nước tuần cuối tháng 8 (từ 25-31/8) tiếp tục được điều chỉnh tăng từ 79 đồng đến 254 đồng/kg tuỳ loại.
Cụ thể, giá lúa bình quân tại ruộng tăng lên 8.079 đồng/kg, lúa tại kho giá 9.242 đồng/kg, gạo lứt loại 1 giá 12.646 đồng/kg, gạo xát trắng loại 1 ở mức 14.750 đồng/kg, gạo 5% tấm 14.564 đồng/kg, gạo 15% tấm 14.333 đồng/kg, loại 25% tấm giá 14.033 đồng/kg,...
Giá lúa gạo trong nước tiếp tục tăng trong tuần cuối tháng 8 (Ảnh: Anh Nguyễn)
Theo ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đây là mức giá thương lái thu mua. Tại thị trường nội địa, do mua bán qua vài khâu trung gian nên giá doanh nghiệp thu mua vào còn cao hơn.
Giá lúa gạo nội địa ở ngưỡng này quy đổi ra giá xuất khẩu tương đương mức 670-680 USD/tấn. Tuy nhiên, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta đang dừng ở ngưỡng 633 USD/tấn, tức giá bán trong nước cao hơn giá xuất khẩu rất nhiều. Doanh nghiệp nếu mua cao bán thấp sẽ chịu thua lỗ nặng.
Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới, đồng thời tạm dừng thu mua lúa để nghe ngóng thị trường và tránh thua lỗ.
Những hợp đồng cũ, doanh nghiệp phải đàm phán với nhà nhập khẩu nước ngoài để điều chỉnh giá tăng thêm, nhưng hầu hết không được chấp thuận. Còn đơn hàng nhỏ, khách truyền thống, doanh nghiệp đề nghị giãn thời gian giao hàng đến vụ Đông Xuân sao cho hài hoà giữa hai bên, ông Bình cho hay.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, VFA cũng thừa nhận, do giá cả biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái (hàng xáo) đến nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.
Nhà nhập khẩu Philippines xin huỷ hợp đồng, bởi giá gạo của Việt Nam cao hơn rất nhiều mức giá trần trong nước của họ (Ảnh: Hoàng Hà)
Ông Phạm Thái Bình cho hay, Philippines, Indonesia hay các quốc gia nhập khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đều chịu mức giá cao. Họ gần như không thể chấp nhận mua gạo với giá 670-680 USD/tấn.
Thực tế, giữa tháng 8 vừa qua, phía Philippines đã đàm phán với các nhà xuất khẩu Việt Nam để mua gạo giá thấp hơn mức giá trên thị trường.
Mới đây, quốc gia này cũng áp giá trần mặt hàng gạo bán lẻ tại thị trường trong nước - động thái nhằm bình ổn giá gạo, tránh tình trạng thao túng, đầu cơ tích trữ khi giá bán lẻ tăng ở mức báo động.
Philippines là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam. Trong 7 tháng năm 2023, quốc gia này chi 984,9 triệu USD để nhập khẩu gần 1,94 triệu tấn gạo của Việt Nam, giảm 2,1% về lượng nhưng tăng 6,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 37,6% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thông tin, sau khi Philippines áp giá trần mặt hàng gạo, có những công ty của nước này xin hủy hợp đồng do lo ngại thua lỗ.
Việc doanh nghiệp đối tác xin huỷ hợp đồng, hoặc ngừng nhận hàng, không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo những tháng cuối năm nay, bởi lượng hàng của nước ta dành cho xuất khẩu không còn nhiều. Tuy nhiên, chưa thể xác định điều đó có làm giá lúa gạo tại thị trường Việt Nam hạ nhiệt và mức độ giảm ra sao.
Thông tin từ Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 8/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng qua đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ 2022. Đáng chú ý, có thời điểm giá gạo xuất khẩu 5% tấm lên đến gần 650 USD/tấn.
Theo Vietnamnet