Giá như họ biết điểm dừng...

23/09/2023 - 10:16

Vi phạm pháp luật ắt phải trả giá nhưng với bản án 2 năm 6 tháng tù dành cho một tiến sĩ luật như bị cáo Đặng Anh Quân, 3 năm tù với một doanh nhân như bà Nguyễn Phương Hằng, quả thật quá đắt

Sau 18 tháng tạm giam, ngày 21-9, bị cáo Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) bị đưa ra tòa xét xử về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Trượt khỏi ranh giới!

Theo dõi phiên tòa, nhiều người đã bất ngờ trước thái độ... khá vui vẻ của bị cáo. Ở phần tranh luận, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) nhiều lần nói: "Tại tòa, bà Hằng cười rất tươi", cho rằng bị cáo chưa ăn năn, hối lỗi.

Trong khi đó, đứng ở bục khai báo của TAND TP HCM, bị cáo Hằng thừa nhận từng tổ chức 57 buổi livestream trên không gian mạng, phát ngôn có nội dung bịa đặt, biết rõ thông tin không đúng sự thật hoặc thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự của 10 cá nhân. Việc bị truy tố không oan nhưng bị cáo cho rằng cáo trạng chưa chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo, đề nghị HĐXX xem xét.

Bị cáo Nguyễn Phương Hằng tại tòa. Ảnh chụp qua màn hình: HUẾ XUÂN

Chủ tọa phiên tòa giải thích việc gì cũng có nguyên nhân và nguyên nhân của những lần sai phạm nối tiếp sai phạm của bị cáo đã được nêu rõ trong cáo trạng. Xuất phát từ việc bị cáo mong muốn một nghệ sĩ cùng lên tiếng "vạch trần" sự thật về một người xưng lương y nhưng vì nghệ sĩ kia "im lặng", bị cáo đã bắt đầu các buổi livestream "vạch tội" giới nghệ sĩ. Dần dần, bị cáo trượt qua khỏi ranh giới, thông tin về những điều chưa được kiểm chứng để xúc phạm người khác.

Đại diện VKSND TP HCM cũng cho rằng việc gì cũng có nguyên nhân, thậm chí trong vụ án này, cơ quan giữ quyền công tố cũng thừa nhận bị cáo từng bị công kích bởi một số đương sự khác trong vụ án. Tuy nhiên, ai làm sai đã có pháp luật xử lý, bị cáo không được "nhân danh công lý" để "tung hoành" theo ý mình.

Nghe HĐXX phân tích, bị cáo Hằng đã dừng tranh cãi về vấn đề này.

Giá mà lúc trước, bị cáo cũng biết điểm dừng khi được cơ quan chức năng nhắc nhở, cảnh báo, thì đã không có ngày hôm nay. Không ít người tiếc cho bị cáo, một doanh nhân thành đạt, có nhiều đóng góp cho cộng đồng được một số cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội công nhận. Quỹ mổ tim của bị cáo đã giúp giữ nhịp đập cho không ít những trái tim bệnh nhi nghèo, những bình ôxy mà công ty bị cáo tặng miễn phí cho người dân trong thời gian dịch bệnh từng được trân quý biết bao nhiêu…

Biết luật, phạm luật

Một bị cáo khác trong vụ án cũng khiến nhiều người tiếc nuối, đó là tiến sĩ luật Đặng Anh Quân. Xuyên suốt phiên tòa, bị cáo liên tục kêu oan. Bị cáo Quân thừa nhận hành vi khách quan mà cáo trạng truy tố khi tham gia vào 11 buổi livestream cùng bị cáo Hằng nhưng bị cáo không thừa nhận tội danh.

Bào chữa cho việc nhận lời tham gia các buổi livestream mà theo cơ quan tố tụng nhận định là vi phạm pháp luật, vị tiến sĩ luật dùng mỹ từ "phản biện xã hội" để biện hộ cho những phát ngôn khi lên "sóng" cùng "hiện tượng mạng xã hội Nguyễn Phương Hằng".

HĐXX đã giải thích việc bị cáo cho rằng bản thân bị oan là quyền của bị cáo. Tuy nhiên, ngoài lời khai đã trình bày, bị cáo không có chứng cứ khác để được xem xét. Trong khi đó, kết quả điều tra của cơ quan chức năng thể hiện, bị cáo Quân đã có hành vi tương tác, tham gia bình luận trực tiếp cùng bị cáo Nguyễn Phương Hằng trong 11 buổi livestream; cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bị cáo Hằng thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, trong buổi livestream ngày 24-12-2021, bị cáo Quân đã phát ngôn có nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của ông Võ Nguyễn Hoài Linh. Do đó, đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Quân có vai trò giúp sức cho bị cáo Hằng.

Bị cáo Quân là người có trình độ học vấn cao, có địa vị trong xã hội, am hiểu pháp luật, lẽ ra phải tư vấn, can ngăn bị cáo Hằng không thực hiện hành vi phạm tội. Tiếc là bị cáo lại tham gia giúp sức tích cực càng khiến cho bị cáo Hằng ngày càng lún sâu, sai phạm hết lần này đến lần khác.

Không có ngoại lệ, vi phạm pháp luật ắt phải trả giá nhưng với bản án 2 năm 6 tháng tù dành cho một tiến sĩ luật như bị cáo Đặng Anh Quân, 3 năm tù với một doanh nhân như bà Nguyễn Phương Hằng, quả thật quá đắt.

Bài học cho người khác

Khép lại vụ án, HĐXX nhận định về phiên tòa "đình đám" và "kỳ lạ" này như sau: Hình phạt đặt ra đối với các bị cáo phải nghiêm mới đủ sức giáo dục họ có ý thức tuân thủ pháp luật cũng như các quy tắc trong cuộc sống; ngăn ngừa họ phạm tội mới; răn đe và giáo dục người khác tôn trọng pháp luật; phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.

Theo TRẦN THÁI (Người Lao Động)