Giá trị khoa học của Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa qua công tác khai quật và nghiên cứu

27/11/2019 - 07:33

 - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp UBND tỉnh An Giang vừa tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa: khai quật, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị”.

Giá trị khoa học của Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa qua công tác khai quật và nghiên cứu

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: BÁCH LINH

Qua đó, trình bày những kết quả khai quật, nghiên cứu mới nhất về khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang); trao đổi, thảo luận, tiến tới đánh giá thống nhất giá trị khu di tích, phục vụ việc xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa cho khu di tích.

Một đề án đặc biệt quan trọng

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, chủ nhiệm Đề án “Nghiên cứu khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”, Óc Eo được biết đến như một nền văn hóa cổ tồn tại trong thiên niên kỷ đầu Công nguyên ở vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên, do sự đứt đoạn của chính nền văn hóa này, cùng với các thông tin ít ỏi qua các nguồn thư tịch cổ, đã khiến văn hóa Óc Eo trong suốt một thời gian dài bị chìm vào quên lãng. Cho đến khi các nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế khai quật, làm xuất lộ các di tích và di vật thì diện mạo của nền văn hóa Óc Eo mới dần được tái hiện.

“Sự rải rác của các di tích, sự thiếu vắng tính hệ thống và tản mạn của các nghiên cứu, đánh giá giá trị di tích, di vật của văn hóa Óc Eo từ khía cạnh khác nhau, như: lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa… đặt ra vấn đề cần phải có một nghiên cứu tổng thể, hệ thống, để từ đó có thể đánh giá một cách toàn diện bản sắc, tính chất, giá trị, ý nghĩa của nền văn hóa Óc Eo. Đó chính là nhiệm vụ mà Ban Bí thư giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khi xây dựng Đề án nghiên cứu về văn hóa Óc Eo từ năm 2012. Cho đến tháng 8-2017, đề án bắt đầu được triển khai, với mục tiêu quan trọng là tập trung khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại Khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa. Trên cơ sở đó, nghiên cứu so sánh làm rõ hơn các giá trị khoa học của văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, đồng thời cung cấp những cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị, cũng như luận cứ cho công tác xây dựng hồ sơ khoa học đề cử UNESCO xem xét công nhận vùng không gian văn hóa Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là Di sản Văn hóa Thế giới trong thời gian sắp tới” - GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cho biết.

Đến tháng 11-2019, đề án đã đi được một chặng đường hết sức quan trọng. Trong đó có nỗ lực giải phóng mặt bằng, phối hợp tích cực của tỉnh An Giang, Kiên Giang; sự lao động, nghiên cứu say mê, bền bỉ với tất cả tinh thần vượt khó và quyết tâm cao của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các nhà khảo cổ của 3 đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; sự hợp lực tối đa của giới nghiên cứu khảo cổ học, sử học, văn hóa học, địa chất học… của các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước, chuyên gia của tổ chức, bộ, ngành Trung ương. Các hợp phần của đề án đã hoàn thành về cơ bản công tác khai quật tại thực địa, đã có những kết quả nghiên cứu mới, góp phần bổ sung những nhận thức khoa học về văn hóa Óc Eo.

Giá trị khoa học của Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa qua công tác khai quật và nghiên cứu

Ảnh: T.H

Kết quả nghiên cứu bước đầu và những vấn đề đặt ra

PGS.TS Bùi Chí Hoàng (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Phó Chủ nhiệm đề án) thông tin: “Hội thảo là nơi tập hợp và công bố bước đầu các kết quả nghiên cứu trong đề án. Qua đó, giới nghiên cứu trao đổi, thảo luận những vấn đề khoa học liên quan, như: xác định giá trị trong từng khu di tích hay phức hợp di tích, xác định đặc trưng và tính chất của Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa trong tổng thể văn hóa Óc Eo trên toàn vùng Nam Bộ. Đồng thời, xác định tiêu chí của phức hợp di sản văn hóa này trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho hồ sơ khoa học của di tích để làm cơ sở cho các đơn vị liên quan đề ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa trong giai đoạn tiếp theo. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 42 tham luận từ các nhà nghiên cứu, quản lý di sản văn hóa thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học, các bộ, ngành và cơ quan quản lý di sản văn hóa ở địa phương. Các chủ đề bài viết được quan tâm nghiên cứu bao gồm: các kết quả khai quật và nhận thức mới trong quá trình thực hiện đề án; vấn đề môi trường thời Holocen muộn ở ĐBSCL; tính chất đô thị cổ Óc Eo; các kết quả nghiên cứu so sánh và phân tích mẫu liên quan đến di tích và di vật văn hóa Óc Eo; vai trò của cảng thị Óc Eo trong hoạt động thương mại trên biển; hiện trạng, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa… Các chủ đề nghiên cứu đã góp phần cập nhật và bổ sung vào những nhận thức khoa học liên quan đến văn hóa Óc Eo một cách rõ nét hơn qua nhiều nguồn tư liệu mới trong những năm gần đây, đặc biệt là kết quả đạt được trong quá trình thực hiện đề án từ năm 2017”.

Cũng theo PGS.TS Bùi Chí Hoàng, hội thảo lần này thể hiện tâm huyết của các nhà khảo cổ học, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực và những người công tác trong lĩnh vực di sản văn hóa trong một quyết tâm chung để cùng nhau gìn giữ di sản văn hóa mà bao thế hệ tiền nhân đã tạo dựng trên vùng đất Nam Bộ. Các chủ đề được chia sẻ và trao đổi trong hội thảo đã góp phần quan trọng cho việc triển khai công tác nghiên cứu và lập hồ sơ khoa học hậu khai quật. Thời gian tới, cần tiếp tục công tác khai quật và nghiên cứu đánh giá nhằm hoàn thành các nội dung khoa học đã đặt ra, đòi hỏi sự phối kết hợp rất chặt chẽ giữa Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Kinh thành và Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ); sau đó báo cáo kết quả cuối cùng với lãnh đạo Chính phủ để nhận sự chỉ đạo tiếp theo.

G.L