Giá trị thời đại tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

07/11/2022 - 06:30

 - Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Từ khi ra đời đến nay, tác phẩm được xem là “cẩm nang” của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là “kim chỉ nam hành động” của cán bộ, đảng viên.

Tình hình đất nước trong giai đoạn từ 1945-1947 đối mặt nhiều khó khăn phức tạp. Chiến dịch Thu Đông 1947 diễn ra quyết liệt, đồng thời Đảng dồn sức chuẩn bị cho tổng tấn công Chiến dịch Tây Bắc 1950. Nhận thức của nhân dân và cán bộ, đảng viên về Đảng Cộng sản, về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về xây dựng Đảng còn mơ hồ. Mặt khác, trong Đảng, một bộ phận đảng viên xuất hiện biểu hiện quan liêu, tiêu cực, công tác xây dựng Đảng bộc lộ một số thiếu sót… Điều này ảnh hưởng đến nhận thức và hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng cần được chấn chỉnh.

Hội thảo khoa học “75 năm tác phẩm Sửa đổi lối làm việc - Nội dung và giá trị thời đại”

Tháng 10/1947, tại Việt Bắc, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” nhằm nâng cao nhận thức lý luận, tư tưởng, tình cảm, phẩm chất đạo đức, tác phong của người cán bộ cách mạng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong tình hình, nhiệm vụ mới để đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. “Tác phẩm có trên 26.700 từ nhưng từ khi ra đời đến nay luôn là văn kiện quan trọng về công tác xây dựng Đảng. Tác phẩm đã nêu ra các căn bệnh và cách khắc phục, sửa chữa để Đảng đủ sức mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của mình là lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, để chiến thắng thù trong giặc ngoài, giữ vững độc lập dân tộc, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” - Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Hồ Ngọc Trường nhấn mạnh.

Dù ra đời 75 năm trước, nhưng đến nay, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên tính thời sự. Đó là nhận định của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tại Hội thảo khoa học “75 năm tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” - Nội dung và giá trị thời đại”, do Trường Chính trị Tôn Đức Thắng vừa tổ chức. Ông Hồ Ngọc Trường thông tin, sau gần 1,5 tháng triển khai, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần 100 bài viết của các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Qua chọn lọc, đã lựa chọn được 73 bài viết có giá trị về lý luận và thực tiễn để xây dựng kỷ yếu cho hội thảo.

Theo đó, hội thảo đã xoay quanh 2 vấn đề: “Sửa đổi lối làm việc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh - nội dung, tầm nhìn và ý nghĩa; vận dụng nội dung tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Hội thảo không chỉ khẳng định tính đúng đắn, khoa học, tính thời sự của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” mà còn tuyên truyền, giáo dục, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu, đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ như Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng (Trường Chính trị Tôn Đức Thắng) Dương Thị Bích Thủy chia sẻ, nội dung “Sửa đổi lối làm việc” đề cập đến 6 nội dung lớn, vừa có tính lý luận, vừa có tính chỉ đạo thực tiễn về công tác xây dựng Đảng: Phê bình và sửa chữa, mấy điều kinh nghiệm, tư cách và đạo đức cách mạng, vấn đề cán bộ, cách lãnh đạo và chống thói ba hoa. Đưa ra 6 vấn đề lớn về công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, những nguy cơ thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tác hại của nó đối với Đảng cầm quyền. Đồng thời, chỉ rõ nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính thường xuyên, lâu dài là phải sửa đổi lối làm việc để chỉnh đốn Đảng.

Cũng theo bà Bích Thủy, những năm gần đây, nhiều nghị quyết của Đảng đã nhấn mạnh tình trạng suy thoái đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhấn mạnh một trong 4 nguy cơ, thách thức nghiêm trọng là nạn tham nhũng và tệ quan liêu. Tình trạng quan liêu, xa dân, không sát tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân, không giải quyết kịp thời và trúng những thắc mắc của dân đã kéo dài ở không ít nơi, không ít cán bộ. Vấn đề này đã được Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các nghị quyết và kết luận trên ra đời xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, đánh giá đúng thực trạng và đề ra những nhóm giải pháp cấp bách, phù hợp tình hình hiện nay.

Nghiên cứu, đẩy mạnh tuyên truyền nội dung tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” sẽ góp phần trang bị tri thức, nâng cao trình độ tư tưởng lý luận, tình cảm cách mạng, phẩm chất đạo đức, phương pháp lãnh đạo và tác phong công tác của các tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, góp phần tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

PHƯƠNG LAN