Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/2, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
SJC Hà Nội: 75.900.000 đồng/lượng - 78.220.000 đồng/lượng
DOJI Hà Nội: 75.850.000 đồng/lượng - 78.150.000 đồng/lượng
SJC TP.HCM: 75.900.000 đồng/lượng - 78.200.000 đồng/lượng
DOJI TP.HCM: 75.850.000 đồng/lượng - 78.150.000 đồng/lượng
Giá vàng quốc tế
Tới 19h20 tối 20/2 (giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay giao ngay trên thị trường thế giới đứng quanh ngưỡng 2.027 USD/ounce. Vàng giao tháng 4 năm 2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.038 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 20/2 cao hơn khoảng 11,1% (203 USD/ounce) so với đầu năm 2023. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 60,9 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 17,3 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 20/2.
Vàng thế giới tăng giá khá mạnh trong bối cảnh đồng USD quay đầu giảm và căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực vẫn gia tăng.
Vàng tăng chủ yếu do đồng USD giảm vào đầu phiên giao dịch 20/2 trên thị trường Mỹ. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt quay đầu giảm từ mức 104,5 điểm phiên liền trước về 104,1 điểm.
Trước đó, lạm phát cao hơn kỳ vọng đã khiến nhiều người đánh cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không hạ lãi suất trong nửa đầu năm 2024. Nó giúp đẩy đồng USD đi lên.
Tuy nhiên, áp lực lên đồng USD trong trung và dài hạn là rõ ràng. Đồng USD đã nhanh chóng bị bán ra và không còn được hỗ trợ ở mức cao.
Hơn nữa, trên thực tế, lạm phát Mỹ dù cao hơn kỳ vọng nhưng vẫn đang ở chiều đi xuống.
Vàng tăng còn do căng thẳng địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông vẫn có xu hướng gia tăng.
Căng thẳng tại Ukraine gia tăng khi một số nguồn tin phương Tây cho biết người Nga đã tập hợp một đội quân gồm 200.000 binh sĩ cho chiến dịch mùa xuân và một chiến dịch tấn công mới.
Gần đây, một số đánh giá cho rằng, Nga có đủ nguồn lực để tiếp tục chiến dịch đặc biệt ở Ukraine trong vài năm.
Tại Trung Đông, căng thẳng vẫn chưa hạ nhiệt. Hamas muốn ngừng bắn ở Dải Gaza nhưng Thủ tướng Israel gọi yêu cầu ngừng bắn của Hamas là "ảo tưởng”.
Dự báo giá vàng
Trong trung và dài hạn, đồng USD nằm trong xu hướng đi xuống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá vàng có xu hướng đi lên.
Tính tới ngày 20/2, chỉ báo từ thị trường theo tín hiệu từ công cụ CME Fedwatch cho thấy, có 8,5% khả năng Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 3, trong khi đó khả năng này trong cuộc họp tháng 5 là 33,4%. Tuy nhiên, khả năng hạ lãi suất trong tháng 6 là trên 54,2%.
Như vậy, nhiều khả năng Fed sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 6. Đây cũng là thời điểm đảo chiều chính sách tiền tệ của Mỹ. Nó cũng đồng nghĩa với việc đồng USD đi xuống và là động lực cho vàng tăng giá.
Theo phân tích kỹ thuật, vàng vẫn chịu áp lực giảm trong ngắn hạn. Ngưỡng kháng cự mạnh là 2.083 USD/ounce - đỉnh cao của tháng 2. Trong khi đó, ngưỡng hỗ trợ khá mạnh là 1.950 USD/ounce.
Nhiều tổ chức dự báo giá vàng sẽ đạt mức 2.200 USD/ounce trong năm 2024, mức cao lịch sử của kim loại quý này.