Giao dịch vàng tại doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Liên tục tăng phi mã thời gian vừa qua, thậm chí vượt qua cả mức đỉnh của năm 2011 đã khiến thị trường vàng một lần nữa dậy sóng.
Tuy nhiên, đây có phải là mức giá đỉnh của năm nay hay còn tăng tiếp? Đây vẫn là câu hỏi được các nhà đầu tư vàng quan tâm, nhất là các khách hàng “lướt sóng.”
Liên tục phá đỉnh
Trong ngày khởi đầu của năm mới 2020, nhiều tổ chức lớn còn đưa ra nhiều dự báo khả quan về mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khi đó, giá vàng gần như không có nhiều biến động so với năm 2019, với mức giá giao dịch quanh ngưỡng 1.514 USD/ounce
Tuy nhiên, toàn bộ tình hình thay đổi, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng và diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, kể cả những cường quốc lớn nhất thế giới cũng phải vật lộn để chống đỡ với dịch bệnh, điều đó khiến cho bức tranh kinh tế u ám trở lại. Minh chứng rõ rệt nhất là thị trường chứng khoán, sắc đỏ bao chùm trên những thị trường lớn.
Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia cho rằng vàng đang ở trong một môi trường hoàn hảo để tăng giá và sôi động trở lại.
Tính đến ngày 11-7, giá vàng thế giới đã tăng tổng cộng gần 300 USD/ounce so với thời điểm ngày 1-1.
Còn ở trong nước, hầu hết các thương hiệu vàng miếng lớn như SJC và Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đều nới rộng biên độ tăng giá so với ngày đầu năm.
Nếu như ngày 1-1, cả hai thương hiệu này chỉ giao dịch quanh mức giá 42,8 triệu đồng/lượng thì sau gần 6,5 tháng, cả vàng SJC và Rồng Thăng Long đều tiến sát mốc 51 triệu đồng/lượng, cao nhất từ năm 2011.
Ông Nguyễn Bảo Quý, chủ một doanh nghiệp vàng trên địa bàn Hà Nội cho biết đối với nhiều nhà đầu tư thì vàng còn là nơi “cư trú” an toàn khi lạm phát xảy ra bởi sự tỷ lệ nghịch với đồng đôla (USD). Hơn nữa, giá trị của vàng còn biến động ngược với các kênh chứng khoán và tiền tệ, giúp họ giảm thiểu rủi ro xảy ra.
Phân tích kỹ hơn những biến động của giá vàng trong nước, ông Quý cho rằng, việc tăng giá dù liên tiếp nhưng chủ yếu do lực đẩy từ thế giới.
Vì vậy, khác với những năm trước, mặc dù có phiên điều chỉnh rất mạnh (lên tới 900.000 đồng/lượng) song chênh lệch giữa giá mua/giá bán không quá lớn, điều đó cũng hạn chế bớt phần thua thiệt của nhà đầu tư khi bán lại vàng cho các cửa hàng.
Theo ghi nhận, trong ngày 11-7, khi giá bán ra vọt lên ngưỡng 50,60 triệu đồng/lượng thì tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, chiều mua vào là 50,15 triệu đồng/lượng (chênh khoảng 450.000 đồng/lượng), trong khi các doanh nghiệp khác duy trì trong khoảng từ 250.000-350.000 đồng/lượng.
Nói về giao dịch, ông Quý chia sẻ phần lớn vẫn là những cá nhân lướt sóng bán ra để chốt lời, trong khi những hoạt động mua, bán lớn vẫn còn ít và thực tế không có hiện tượng người dân đổ xô đi bán vàng như các năm trước.
Trong khi đó, theo đại diện Bảo Tín Minh Châu, tại các chi nhánh kinh doanh của doanh nghiệp này sáng nay lượng khách mua vào chiếm 55% trong khi lượng khách bán ra chiếm 45%.
“Giá vàng trong nước phiên giao dịch sáng nay biến động tăng trở lại giá vẫn treo cao. Vì vậy, người dân và các nhà đầu tư và người dân nên mua bán theo nhu cầu tự nhiên,” đại diện Bảo Tín Minh Châu nói.
Đi tìm nguyên nhân của cơn sốt giá vàng
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng giá vàng tăng trong mấy ngày qua là do dịch COVID-19 vẫn rất nghiêm trọng trên thế giới, đặc biệt tại một số nước như Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản… dẫn đến nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều người thất nghiệp, vì vậy nhiều nước đã đưa một lượng tiền rất lớn vào lưu thông… Chính vì các biện pháp hỗ trợ kinh tế của các nước sẽ làm tăng lạm phát, đặc biệt làm giảm giá trị của đồng USD và đẩy giá vàng tăng lên.
Cũng theo ông Hiếu, bên cạnh những vấn đề trên thì trên thế giới cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang căng thẳng và nước Anh ra khỏi châu Âu cũng tác động nhiều đến kinh tế châu Âu. Đặc biệt, một yếu tố khác ảnh hưởng mạnh đến chính trị là cuộc bầu cử của Mỹ sắp tới đây.
Mặc dù giá vàng mấy ngày qua tăng cao nhưng theo vị chuyên gia này sẽ không tác động đến nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm này vì chính sách chống vàng hóa của Ngân hàng Nhà nước đã có hiệu quả trong nhiều năm và cũng không có chuyện người dân ào ào đến mua vàng nên mặc dù giá vàng lên nhưng không có hiện tượng đầu cơ nên sẽ không tạo ra cơn sóng vàng.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu nếu giá vàng cứ tiếp tục tăng mãi thì có thể sẽ làm tăng lạm phát lên vì khi giá vàng tăng lên thì một mặt hàng cũng “té nước theo mưa” đẩy giá lên.
Ông Hiếu đưa ra dự báo giá vàng thế giới sẽ lên đến mốc 1.850 USD trong thời gian tới và thậm chí sẽ lên đến 1.900 USD vào cuối năm nay.
Như vậy, tại Việt Nam, giá vàng có thể cũng được giao dịch quanh mức 55 triệu đồng/lượng. Vấn đề đặt ra có nên mua vàng hay không khi giá vàng tăng cao như vậy?
Ông Hiếu phân tích, với giá vàng hiện nay khoảng 50,2 triệu đồng, nếu tính trên cơ sở 1 năm giá vàng tăng khoảng 20%, nếu so với các kênh đầu tư khác như tiền gửi ngân hàng (6-7%), chứng khoán (10%), bất động sản (có thể bị lỗ), vì vậy nếu tính theo tỷ lệ lợi như hiện nay thì đầu tư vào vàng có thể là kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn.
“Tuy nhiên, vàng là tài sản không sinh lời nhưng lại được tăng giá trị khi giá vàng lên nên nếu bán ra thì nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận. Chính vì vậy, tôi khuyên các nhà đầu tư phải có sự tính toán chặt chẽ về tỷ lệ lợi nhuận có thể xảy ra khi mua và bán, đặc biệt không nên đầu tư một cách vội vã mà phải theo dõi thị trường 'ăn xổi' rất nguy hiểm vì thị trường 'trồi sụt' rất nhanh,” ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Hiếu, mặc dù tiền gửi ngân hàng đang có chiều hướng đi xuống nhưng vẫn là kênh đầu tư an toàn và có lãi trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Cùng quan điểm, tiến sỹ Cấn Văn Lực cho biết giá vàng hiện nay không tồn tại nhiều yếu tố đầu cơ, bởi giá trong nước đang bám rất sát với quốc tế.
Dù vậy, ông Lực cũng cho rằng giá vàng vẫn có xu hướng tăng vì thị trường quốc tế vẫn còn nhiều rủi ro từ dịch bệnh, địa chính trị, kinh tế… nên giá vàng vẫn còn biến động từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng, chỉ nên đầu tư vào những lĩnh vực mình am hiểu.
“Thế giới càng bất ổn thì giá vàng càng tăng, quốc tế tăng thì trong nước cũng tăng. Việc giá vàng có đi xuống hay không sẽ tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới,” ông Lực nói.
Theo ĐỨC DUY - THÚY HÀ (Vietnam+)