Giá xăng dầu hôm nay 20-6: Quay đầu tăng

20/06/2022 - 08:32

Sau khi giảm tới 6% trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, giá dầu thô tuần này đã ấm lên với giá dầu Brent vượt mốc 114 USD/thùng, WTI vượt 110 USD/thùng.

Giá xăng dầu thế giới

“Vàng đen” đã trượt giá khá lớn trong phiên giao dịch kết thúc tuần trước. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 8 đã giảm 6,69 USD, tương đương 5,58%, xuống 113,12 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 7 giảm tới 8,03 USD, tương đương 6,83%, xuống còn 109,6 USD/thùng.

Giá dầu đã lấy lại đà tăng. Ảnh minh họa: Businesstoday

Đây là mức đóng cửa thấp nhất của dầu thô Brent kể từ ngày 20-5 và của WTI kể từ ngày 12-5. Đây cũng là mức giảm tỷ lệ phần trăm hằng ngày lớn nhất đối với Brent kể từ đầu tháng 5 và lớn nhất đối với WTI kể từ cuối tháng 3 năm nay.

Mức lao dốc khá nhanh này đã góp phần giúp dầu Brent lần đầu tiên trong vòng 5 tuần được trải nghiệm một tuần giảm giá. Dầu thô WTI của Mỹ cũng lần đầu tiên có tuần giảm giá sau 7 lần tăng liên tiếp.

Giá “vàng đen” giảm mạnh sau quyết định tăng lãi suất của một loạt các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Mỹ, Anh và Thụy Sĩ. Sự tăng lãi suất này nhằm giảm lạm phát đang tăng cao.

Nhà phân tích Stephen Brennock của PVM cho biết việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn có thể "mở đường cho sự phá hủy nhu cầu do suy thoái gây ra".

Trong tuần trước, giá dầu giảm còn bởi nguyên nhân nguồn cầu giảm từ phía Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Sự bùng phát các ca nhiễm Covid-19 tại thủ đô Bắc Kinh của nước này đã làm gia tăng lo ngại về nguồn cầu giảm khi hy vọng nguồn cầu tăng tại quốc gia Đông Á này mới nhen nhóm trở lại.

Nhưng đà trượt dốc của “vàng đen” đã được hạn chế một phần bởi sự thiếu hụt nguồn cung từ phía Libya. Trong tháng 5, Libya chỉ sản xuất được khoảng 600.000 thùng/ngày thay vì 1,2 triệu thùng/ngày như thường lệ. Đáng lo ngại hơn nữa là hiện tại, nước Bắc Phi này chỉ sản xuất được 100.000 thùng dầu/ngày do hầu hết các mỏ dầu của nước này buộc phải ngừng hoạt động vì bất ổn chính trị gia tăng.

Nguồn cung dầu trên thế giới đang ngày một thắt chặt hơn đã khiến giá dầu có thời điểm leo dốc trong tuần trước. Ngoài Libya, nhiều thành viên khác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã và đang không thể đáp ứng được hạn ngạch sản xuất của mình.

Mỹ công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Iran cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ giá dầu leo dốc.

Nguồn cung eo hẹp đẩy giá dầu leo dốc. Ảnh minh họa: Getty 

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 20-6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 31.117 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 32.375 đồng/lít; dầu diesel không quá 29.020 đồng/lít; dầu hỏa không quá 27.839 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.357 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành giá ngày mai 21-6, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.

Giá dầu thế giới tuần qua lao dốc trong khi giá xăng vẫn đứng ở mức cao. Tại thị trường Singapore, giá xăng dầu thành phẩm (sản phẩm sau lọc dầu) thời gian qua vẫn nhích lên, vì vậy giá xăng trong nước vẫn đối diện nguy cơ tăng tại kỳ điều hành giá mới.

Theo nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đang thấp hơn giá xăng dầu thành phẩm trung bình tại Singapore vài trăm đồng/lít. Vì vậy, nếu giá xăng dầu thành phẩm không giảm mạnh trong ngày hôm nay 20-6 và cơ quan điều hành không tiếp tục xả quỹ, giá xăng có thể tiếp tục tăng nhưng mức tăng sẽ không quá lớn như một số kỳ điều hành giá trước đó.

Theo MAI HƯƠNG (Quân đội nhân dân)