Trên thị trường thế giới, giá dầu tuần qua ghi nhận tuần gần như đi ngang. Tính chung trong tuần trước, giá dầu Brent tăng 0,02 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 0,19 USD/thùng.
Sang tuần này, giá dầu thế giới giảm tới hơn 3% ở hai phiên giao dịch đầu tuần, xuống mức thấp nhất trong hai tuần. Giá dầu lao dốc bởi lo ngại về nguồn cung ở Trung Đông lắng xuống sau khi Israel chấp nhận đề xuất giải quyết những bất đồng ngăn cản thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
Ở đầu phiên giao dịch 21/8, giá dầu thế giới vẫn trong xu hướng giảm.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 7h43' ngày 21/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 77,16 USD/thùng, giảm 0,05% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 74,04 USD/thùng, giảm 0,44% so với phiên liền trước.
Tại thị trường Singapore, giá xăng thành phẩm bình quân trong kỳ vừa qua giảm nhẹ so với kỳ trước đó.
Dựa trên diễn biến giá xăng dầu thế giới, một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (22/8) có khả năng sẽ giảm.
Các doanh nghiệp xăng dầu dự báo, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể giảm từ 500-580 đồng/lít. Còn giá dầu diesel dự kiến giảm từ 420-520 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giảm ít hơn.
Nếu dự báo trên là chính xác thì các mặt hàng xăng trong nước sẽ quay đầu giảm sau khi được điều chỉnh tăng nhẹ vào kỳ điều hành tuần trước (15/8).
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 15/8, giá các loại xăng dầu đều được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh theo hướng tăng sau 5 lần giảm liên tiếp.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 170 đồng/lít, giá bán là 20.880 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 180 đồng/lít, giá bán là 21.850 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng 90 đồng/lít, giá bán ở mức 19.230 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa tăng 160 đồng/lít, giá bán lên mức 19.570 đồng/lít.