Giải Australian Open: Trận 'động đất' mang tên Novak Djokovic

07/01/2022 - 14:17

Novak Djokovic bị giữ ở Melbourne cho đến phiên điều trần thứ Hai tới, để quyết định xem anh bị sẽ trục xuất khỏi nước này hay được dự Australian Open 2022.

Những gì diễn ra với tay vợt số 1 thế giới không còn thuộc về quần vợt hay tiêm phòng vắc xin Covid-19, mà phía Serbia cũng lên tiếng can thiệp.

Tranh cãi xung quanh Djokovic

Thật khó cho Novak Djokovic tham dự Australian Open 2022, bắt đầu từ 17/1 tại Melbourne, giải đấu mà anh là ĐKVĐ và đã 9 lần đăng quang trong sự nghiệp. Hy vọng cho anh rất mong manh.

Vấn đề Djokovic đang gây nhiều tranh cãi và xuất hiện các cuộc biểu tình

Tay vợt người Serbia đang bị giữ trong một khách sạn ở khu phố Carlton của Melbourne, nơi anh được chuyển đến khoảng 10 giờ sáng thứ Năm (giờ Australia), sau khi qua đêm tại phòng chờ ở sân bay Tullamarine.

Tại đó, các nhân viên nhập cư thẩm vấn Novak và cuối cùng từ chối thị thực của anh, khi phát hiện ra sự bất thường trong quá trình xử lý miễn trừ y tế cho phép anh không phải thực hiện 14 ngày cách ly - điều bắt buộc với bất kỳ quốc tịch nào chưa tiêm phòng khi đặt chân đến Australia.

Tình huống của Djokovic đã làm bùng lên tranh cãi, với các cuộc biểu tình của hàng chục công dân trước Quốc hội Serbia ở Belgrade, cũng như trước khách sạn anh đang ở.

Gia đình Djokovic đã gọi một cuộc họp báo và cha anh, Srdjan, gọi cuộc xung đột là "vụ bê bối thể thao lớn nhất trong lịch sử".

Djordje Djokovic giải thích rằng anh trai mình không thể thay quần áo tại khách sạn và đồ đạc của anh sẽ chỉ được trả lại cho khi trở về châu Âu.

Bộ Ngoại giao Serbia hôm thứ Năm đã đưa ra phản đối chính thức vì "sự đối xử khiếm nhã" mà Djokovic đang phải chịu ở Melbourne.

Thủ tục trục xuất Nole đang được tiến hành, mặc dù các luật sư của anh cố gắng ngăn chặn chuyện này cho đến khi một phiên điều trần được tổ chức tại tòa án Melbourne vào thứ Hai tới (10/1).

Vụ án thuộc về Thẩm phán Anthony Kelly, người đã bắt đầu lắng nghe các luật sư của Djokovic - người phải xuất trình tài liệu phù hợp nếu muốn cơ quan Biên phòng Australia ngừng việc trục xuất.

Nick Wood, luật sư của Novak, cho biết: "Nếu việc hủy bỏ thị thực có hiệu lực, đó là một trở ngại không thể vượt qua đối với Djokovic để tham gia giải đấu".

Sự thiếu nhất quán của Australia

Mấu chốt của cuộc xung đột nằm ở sự thiếu liên lạc giữa Liên đoàn Quần vợt (LĐQV) Australia và các cơ quan y tế, vốn đi đôi với các cơ quan quản lý biên giới.

Để đơn giản hóa việc có được các quy trình an toàn cần thiết để thoát khỏi kiểm dịch, LĐQV Australia đã thành lập một bộ phận độc lập xử lý 26 hồ sơ nhận được mà không cần công khai danh tính, tuổi hoặc quốc tịch của các bên liên quan đến yêu cầu miễn trừ y tế.

Djokovic phải chờ đến phiên tòa 10/1 để biết có thể dự Australian Open 2022 hay không

Cơ quan quần vợt Australia bật đèn xanh cho Djokovic từ khía cạnh y tế không giống như các nhân viên nhập cảnh đã nhận được tài liệu từ anh, sau chuyến bay từ Dubai đến Melbourne.

Nole từng vượt qua covid-19, một trong các lý do mà LĐQV Australia cho là hợp lệ để nhập cảnh. Tuy nhiên, các nhân viên của Sở Di trú đã chặn con đường của anh khi cho rằng nó không phải ngoại lệ trong luật hiện hành.

"LĐQV Australia thông báo với Djokovic rằng anh ấy có thể thi đấu. Điều đó cũng tốt, nhưng đó là những gì họ nghĩ. Chúng tôi nhờ đến biên phòng, đó là những người đưa ra các quyết định", Thủ tướng Scott Morrison xác nhận.

"Các quy tắc là các quy tắc. Các quốc gia đều có quy tắc về biên giới, có chủ quyền và có luật lệ rõ ràng, không phân biệt đối xử. Tất cả những gì tôi có thể nói là bằng chứng mà anh ấy đưa ra để được miễn trừ y tế là không đủ".

Trước cuộc tranh cãi, từng xuất hiện hai bức thư mà Bộ Y tế gửi Craig Tiley - CEO Tennis Australia và là Giám đốc Australian Open - vào ngày 18 và 29 tháng 11 năm ngoái.

Trong cả hai, các nhà chức trách đã cảnh báo Tiley về khả năng xảy ra trường hợp như Djokovic đang trải qua. "Những người đã mắc Covid-19 muốn nhập cảnh vào đất nước và những người chưa được tiêm các liều chủng ngừa không được coi là đã được tiêm chủng đầy đủ", một phần ghi chú được ký bởi Lisa Schofield, thư ký thứ nhất của Bộ Y tế.

Những trường hợp này được nhấn mạnh rõ "sẽ không nhận được sự chấp thuận để thoát khỏi kiểm dịch, bất kể họ có được miễn trừ ở nước khác hay không".

Để tránh bị cách ly bắt buộc, bất kỳ người nộp đơn nào cũng phải đưa hồ sơ "đã được tiêm phòng đầy đủ".

Trong bức thư thứ hai, chính Bộ trưởng Bộ Y tế Australia, Greg Hunt, nhắc lại: "Những người không đáp ứng định nghĩa về tiêm chủng hoàn chỉnh sẽ không nhận được sự chấp thuận nhập cảnh vào đất nước mà không trải qua kiểm dịch, kể cả khi họ đã được miễn trừ tiêm chủng ở nước khác".

Theo THIÊN THANH (Vietnamnet)