Chân dung 2 nhà khoa học đạt giải Nobel Hóa học năm 2021. (Nguồn: nobelprize)
Thông tin trên đã được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố lúc gần 17 giờ ngày 6-10 (giờ Việt Nam).
Thông cáo được đưa ra trên website https://www.nobelprize.org nêu rõ, 2 nhà khoa học List và MacMillan được vinh danh vì đã “phát triển 1 công cụ mới chính xác để xây dựng phân tử: đó là xúc tác hữu cơ”.
Theo thông cáo, điều này đã có tác động lớn đến nghiên cứu dược phẩm, cũng như làm cho hóa học trở nên “xanh” hơn.
“Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã tin rằng về nguyên tắc, chỉ có 2 loại chất xúc tác có sẵn: kim loại và enzyme. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu riêng biệt, 2 nhà khoa học List và MacMillan đã phát triển ra loại chất xúc tác thứ 3: xúc tác hữu cơ bất đối xứng - chất xúc tác dựa trên các phân tử hữu cơ cỡ nhỏ”, thông cáo cho hay.
Giải Nobel Hóa học 2020 được trao cho 2 nhà khoa học nữ. (Ảnh: nobelprize)
Năm 2020, giải Nobel Hóa học vinh danh 2 nhà khoa học nữ Emmanuelle Charpentier (Pháp) và Jennifer A. Doudna (Mỹ) với nỗ lực “phát triển một phương pháp chỉnh sửa bộ gen”.
Noble Hóa học là giải Nobel thứ 3 được công bố năm nay, sau giải Nobel Y sinh – thuộc về 2 nhà khoa học người Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian – và giải Nobel Vật lý – được trao cho 3 nhà khoa học Syukuro Manabe (Mỹ), Klaus Hasselmann (Đức) và Giorgio Parisi (Italia).
Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel được trao 10 triệu krona Thụy Điển (1,14 triệu USD), tương đương với mức thưởng năm ngoái. Giải thưởng sẽ được chia đều cho những người đạt giải.
Giải Nobel Văn học học sẽ được công bố vào ngày mai (7-10), tiếp đó là các giải Nobel Hòa bình (9-10) và Kinh tế (11-10).
Từ năm 1901 đến năm 2021, 113 giải Nobel Hóa học đã được trao cho 189 cá nhân, trong đó 63 giải được trao cho 1 nhà khoa học, 25 giải được chia sẻ bởi 2 nhà khoa học, và 25 giải được chia sẻ bởi 3 nhà khoa học. Tổng cộng đã có 7 nhà khoa học nữ được vinh danh, đó là: Marie Curie (Pháp, năm 1911), Irène Joliot-Curie (Pháp, năm 1935), Dorothy Crowfoot Hodgkin (Anh, năm 1964), Ada Yonath (Israel, năm 2009), Frances H. Arnold (Mỹ, năm 2018), Emmanuelle Charpentier (Pháp, năm 2020), Jennifer A. Doudna (Mỹ, năm 2020).
Chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Hóa học là nhà khoa học người Pháp Frederic Joliot, được vinh danh năm 1935 khi mới 35 tuổi. Trong khi đó, người cao tuổi nhất từng được trao giải thưởng này là nhà khoa học người Đức John B. Goodenough, nhận giải năm 2019 ở tuổi 97.
Ông Frederick Sanger (1918-2013, Anh) là người duy nhất từng 2 lần đạt giải thưởng Nobel Hóa học - năm 1958 và 1980.
|
Theo VĂN TOẢN (Nhân dân)