Giải Nobel Hóa học năm 2020 thuộc về hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier và Jenifer A.Doudna

07/10/2020 - 18:54

Trưa 7-10 theo giờ Thụy Điển (chiều cùng ngày giờ Việt Nam), Ủy ban Nobel đã trao Giải Nobel Hóa học năm 2020 cho hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier (người Pháp) và Jenifer A.Doudna (người Mỹ).

Hai nhà khoa học nhận giải Giải Nobel Hóa học năm 2020. Ảnh: nobelprize.org

Trong buổi lễ diễn ra tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển), Ủy ban Nobel tuyên bố Giải Nobel Hóa học năm 2020 thuộc về hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier (sinh năm 1968, người Pháp) và Jenifer A. Doudna (sinh năm 1964, người Mỹ) với công trình nghiên cứu về phương thức chỉnh sửa bộ gien, mở đường cho những phương thức chữa bệnh mới.

Những nghiên cứu của hai nhà khoa học này đã có công tìm ra phương thức, kỹ thuật chỉnh sửa gien được gọi là CRISPR Cas9 DNA. Tại lễ công bố, đại diện Ủy ban Giải Nobel đánh giá nghiên cứu này đã "viết lại mật mã của sự sống".

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 119 năm giải Nobel Hóa học được trao cho hai người phụ nữ trong cùng 1 năm, bà Charpentier và Doudna cũng trở thành những nữ chủ nhân thứ sáu và thứ bảy của giải thưởng này.

Giải Nobel Hoá học do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao hàng năm để tôn vinh các nhà khoa học trong lĩnh vực hoá học. Đây là một trong 5 giải thuộc Giải Nobel được trao theo di chúc của Alfred Nobel năm 1895. Giải Nobel Hóa học được trao lần đầu năm 1901 và tới nay đã có 186 cá nhân được vinh danh.

Năm 2019, Giải Nobel Hóa học thuộc về ba nhà khoa học John B. Goodenough (người Mỹ), M. Stanley Whittingham (người Anh) và Akira Yoshino (người Nhật Bản) với công trình nghiên cứu và phát triển các loại pin lithium-ion. Phát minh quan trọng của ba nhà khoa học nói trên hiện nay rất quen thuộc với con người, đặc biệt phổ biến trong các thiết bị điện tử như điện thoại di động, xe hơi, các thiết bị giải trí, y tế, xe điện, hàng không....

Nobel Hóa học là giải thứ 3 được công bố trong mùa giải Nobel năm 2020.

Trước đó, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) ngày 5/10 đã trao giải Nobel Y sinh năm 2020 cho các nhà khoa học Harvey J. Alter (Mỹ), Michael Houghton (Anh) và Charles M.Rice (Mỹ) để vinh danh những nghiên cứu về nguồn gốc chính gây bệnh viêm gan C.

Ngày 6-10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao Giải Nobel Vật lý năm 2020 cho các nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez với công trình nghiên cứu về "Hố đen", một trong những hiện tượng kỳ thú nhất của vũ trụ.

Nhà vật lý toán người Anh Penrose đã chứng minh thuyết tương đối tổng quát liên quan tới nguồn gốc hình thành các hố đen, trong khi hai nhà khoa học Genzel và Ghez có công khám phá ra "một vật thể không thể nhìn thấy và vô cùng nặng chi phối các quỹ đạo của những ngôi sao ở trung tâm ngân hà".

Mùa giải Nobel năm 2020 sẽ tiếp tục với lễ công bố các giải Nobel Văn học ngày 8/10, Nobel Hòa bình ngày 9/10 và Nobel Kinh tế vào ngày 12-10.

Do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, lễ trao các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế theo truyền thống ở Stockholm không thể diễn ra như đã định. Thay vào đó, sự kiện này sẽ được tổ chức qua cầu truyền hình. Bên cạnh đó, Viện Nobel Na Uy sẽ thu hẹp quy mô lễ trao Giải Nobel Hòa bình dự kiến diễn ra tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào tháng 12 tới cũng do tình hình dịch COVID-19.

Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel sẽ được trao 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1.120.000 USD), tăng thêm 1 triệu krona so với năm ngoái. Giải thưởng sẽ được chia đều, nếu có nhiều hơn một người được vinh danh.

Theo THANH TUẤN (Báo Tin Tức)