Quang cảnh lễ công bố Giải Nobel Vật lý năm 2020. Ảnh: nobelprize.org
Ba nhà khoa học Roger Penrose (người Anh), Reinhard Genzel (người Đức) và Andrea Ghez (người Mỹ) được vinh danh nhờ các công trình nghiên cứu "Hố đen" vũ trụ nói riêng, cũng như những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực vật lý thiên văn nói chung.
Nhà vật lý toán người Anh Penrose đã chứng minh thuyết tương đối tổng quát liên quan tới nguồn gốc hình thành các hố đen, trong khi hai nhà khoa học Genzel và Ghez có công khám phá ra "một vật thể không thể nhìn thấy và vô cùng nặng chi phối các quỹ đạo của những ngôi sao ở trung tâm ngân hà".
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, nhà khoa học Roger Penrose sẽ hưởng 50% giải thưởng và hai nhà khoa học Reinhard Genzel và Andrea Ghez cùng nhận 50% giải thưởng còn lại với một công trình nghiên cứu chung.
"Hố đen" là một vùng không - thời gian có một trường hấp dẫn mạnh đến nỗi không có vật chất nói chung chiếm khối lượng và không gian nhất định hoặc bức xạ và ánh sáng nào có thể thoát ra ngoài.
Chụp ảnh được "Hố đen" vũ trụ là một bước đột phá vĩ đại của ngành thiên văn, qua đó giúp loài người hiểu rõ hơn, chính xác hơn vào vật thể bí ẩn trên vũ trụ mang tên hố đen, với trường lực hấp dẫn mạnh tới mức hút được cả ánh sáng.
Hố đen nằm ở trung tâm thiên hà M87, có khối lượng gấp 6,5 tỷ lần Mặt Trời. Việc chụp hình ảnh được "Hố đen" sẽ mở ra triển vọng để giới khoa học giải mã nhiều bí mật vũ trụ. Loài người chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy "Hố đen" bởi nó hấp thụ mọi ánh sáng xung quanh nó.
Hình ảnh Hố đen được công bố tháng 4-2019. Ảnh: BBC
Năm ngoái, Giải Nobel Vật lý 2019 đã thuộc về ba nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz để vinh danh những nghiên cứu, khám phá ra một hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời (còn gọi là ngoại hành tinh) có quĩ đạo như một ngôi sao trong Hệ Mặt trời. Công trình được trao giải năm 2019 đã góp phần thay đổi nhận thức của con người về vũ trụ.
Giải Nobel Vật lý, là giải thưởng thường niên của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, được trao lần đầu vào năm 1901 và sau 117 năm tới nay đã có 112 giải được trao, trong đó có 3 chủ nhân giải thưởng là nữ giới gồm Marie Curie vào năm 1903, Maria Goeppert-Mayer vào năm 1963 và Donna Strickland năm 2018. Người trẻ tuổi nhất từng giành Giải Nobel Vật lý là nhà khoa học Lawrence Bragg ở tuổi 25 (năm 1915), trong khi người cao tuổi nhất giành giải là nhà khoa học Arthur Ashkin (96 tuổi).
Nobel Vật lý là giải thứ hai được công bố trong mùa Giải Nobel năm 2020.
Trước đó, theo công bố của Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) lúc 16 giờ 30 ngày 5/10 (theo giờ Việt Nam), ba chủ nhân của Nobel Y sinh năm 2020 là các nhà khoa học Harvey J. Alter (Mỹ), Michael Houghton (Anh) và Charles M.Rice (Mỹ).
Nhà nghiên cứu y khoa và cũng là bác sỹ Harvey J. Alter làm việc tại Viện Y tế Quốc gia (NIH) thuộc Bộ Y tế và Nhân sinh Mỹ. Trong khi đó, ông Charles M. Rice là chuyên gia về virus học tại Đại học Rockefeller. Ông từng được trao giải thưởng Lasker năm 2016 cùng với hai nhà khoa học Ralf Bartenschlager (người Đức) và Michael Sofia (người Mỹ). Ông Michael Houghton là nhà khoa học làm việc tại Đại học Alberta của Canada.
Ủy ban Nobel cho biết công trình nghiên cứu của bộ ba đã giúp giải thích nguồn gốc chính gây bệnh viêm gan qua truyền máu mà không phải do virus gây viêm gan A và B. Nhờ công trình của họ, nền y học thế giới có thể thực hiện xét nghiệm máu và phát triển thuốc mới, cứu sống hàng triệu người. Theo Ủy ban Nobel, công trình của họ đã giúp loại bỏ bệnh viêm gan lây qua đường máu ở nhiều nơi trên thế giới. Phát hiện của họ cũng giúp phát triển nhanh thuốc kháng virus dùng cho bệnh nhân viêm gan C.
Sau giải Nobel Y sinh và Vật lý năm 2020 được công bố là sẽ là các lễ công bố giải Nobel Hóa học ngày 7-10, Nobel Văn học ngày 8-10, Nobel Hòa bình ngày 9-10 và Nobel Kinh tế vào ngày 12-10.
Do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, lễ trao các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế theo truyền thống ở Stockholm không thể diễn ra như đã định. Thay vào đó, sự kiện này sẽ được tổ chức qua cầu truyền hình. Bên cạnh đó, Viện Nobel Na Uy sẽ thu hẹp quy mô lễ trao Giải Nobel Hòa bình dự kiến diễn ra tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào tháng 12 tới cũng do tình hình dịch COVID-19.
Theo THANH TUẤN (Báo Tin Tức)