Giải pháp cho du lịch thời Covid-19: Bền vững và sản phẩm đa dạng

16/01/2021 - 11:45

Đại diện các hãng lữ hành đã cùng nhau chia sẻ một số giải pháp cho phát triển du lịch thời kỳ Covid-19 trong khuôn khổ Diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2021, tổ chức tại Falmingo Cát Bà resort, trong đó các xu hướng được đề cập đến nhiều nhất là bền vững và đa dạng hóa sản phẩm đa dạng.

Phong cảnh Cát Bà nhìn từ Flamingo resort (đảo Cát Bà, Hải Phòng). Ảnh: Flamingo resort.

Chú trọng hơn nữa tới phát triển du lịch bền vững

Một trong những xu hướng du lịch hiện nay trên thế giới dù có hay không có đại dịch Covi-19 là du lịch bền vững. Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, du lịch bền vững sẽ là động lực cho ngành hiện nay. Ông Phùng Quang Thắng phân tích, do ảnh hưởng của đại dịch, tác động lên sức khỏe hay cách nhìn nhận của con người về tính bền vững trong du lịch, sau đại dịch này sẽ không nói trước được về những rủi ro tiếp theo có thể xảy ra, du khách đã chọn những điểm đến ít đông người hơn, tăng tính bền vững và cần có trong sản phẩm, dịch vụ du lịch; cao hơn là yêu cầu về du lịch có trách nhiệm xuất phát từ khách hàng. Chính vì thế, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới ông Zurab Pololikashvili xác định rằng: “Tính bền vững không còn là một lĩnh vực thích hợp của du lịch mà phải là tiêu chuẩn mới cho mọi bộ phận trong lĩnh vực của chúng ta”.

 Tàu du lịch chở khách tham quan vịnh Lan Hạ.

Ông Phùng Quang Thắng cho rằng, trong bối cảnh du lịch là hoạt động nhạy cảm, luôn bị ảnh hưởng từ các điều kiện khách quan, phát triển doanh nghiệp bền vững được đặt ra như một nhu cầu. Bên cạnh đó, còn đáp ứng nhu cầu đa dạng, đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển du lịch trên thế giới. Việc nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp về phát triển bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp ứng phó tốt hơn với các rủi ro hiện tại và trong tương lai. Việc nâng cao năng lực này gồm nâng cao năng lực doanh nghiệp trên nhiều góc độ như: nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, phát triển và khác biệt hóa sản phẩm du lịch bền vững, marketing du lịch bền vững, vận hành doanh nghiệp du lịch bền vững, quản trị doanh nghiệp du lịch bền vững, kiểm toán du lịch bền vững. Ngoài ra, cũng cần triển khai nhiều hoạt động khác nhau cho doanh nghiệp lữ hành nhằm nâng cao kiến thức về phát triển bền vững, cách làm để có sản phẩm khác biệt, du lịch trách nhiệm với cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường, áp dụng các tiêu chí của phát triển du lịch bền vững…, bảo đảm các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững gồm: Hiệu quả kinh tế; Phát triển cho địa phương; Đáp ứng sự thỏa mãn của khách du lịch; Bảo tồn các giá trị văn hóa; Bảo vệ tự nhiên; Bảo vệ môi trường; Sử dụng hiệu quả các nguồn lực; An sinh xã hội; Công bằng xã hội.

Ngoài ra, theo ông Phùng Quang Thắng, quản trị doanh nghiệp bền vững sẽ giúp cho các doanh nghiệp lữ hành nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp, bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, dự đoán và đối phó với rủi ro và thách thức trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

 Ngắm Cát Bà từ bể bơi trên cao. Ảnh: Flamingo resort.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist Group), ông Võ Anh Tài cũng chia sẻ quan điểm về phát triển du lịch bền vững. Ông Võ Anh Tài cho biết, đề hồi phục hoạt động du lịch hiệu quả, cần một mô hình du lịch Việt Nam bền vững hơn, linh hoạt hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp. Sẵn sàng thích ứng, có cơ chế on-off chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả, giữa các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế nhằm kiểm soát, hạn chế tác động ảnh hưởng và quản trị khủng hoảng hiệu quả hơn. 

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Xu hướng đi du lịch của khách hàng hiện nay đã thay đổi nhiều so với trước khi xảy ra dịch. Chính vì thế cho nên việc đa dạng hóa các sản phẩm, tạo ra các sản phẩm mới rất quan trọng đối với các đơn vị lữ hành. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, Trưởng ban Truyền thông VISTA cho rằng, cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá. Ông Nguyễn Công Hoan cho biết, như Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhận định: Chương trình kích cầu lần 2 vào tháng 9 năm 2020 khi tình hình dịch bệnh do Covid được kiểm soát thì yếu tố kích cầu bằng cách giảm giá không còn là yếu tố tiên quyết vì giá đã giảm sâu, không còn dư địa để giảm. Chúng ta cần xác định du lịch trong nước là chiếc phao cứu sinh của ngành du lịch nói chung và lữ hành nói riêng trong năm 2021. Khi “miếng bánh” chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng. Bên cạnh đó, cần làm mới các điểm đến cũ, bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng để thu hút khách chi tiêu quay trở lại nhiều lần.

 Du khách tham quan cầu Mây ở Cát Bà.

Bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty Vietravel  cho rằng, đối với ngành du lịch địa phương, giai đoạn bình thường mới sau dịch, cần tập trung vào các chính sách kích cầu du lịch. Các doanh nghiệp trong ngành du lịch tại địa phương cần tập hợp lại và cùng nhau xây dựng các chương trình, kích cầu, làm mới lại sản phẩm. Các doanh nghiệp trong ngành du lịch tại địa phương và các địa phương liên kết khác phải phối hợp cùng với nhau để cùng xây dựng những chuỗi sản phẩm, dịch vụ mang tính tương trợ cho nhau. Ngoài ra, địa phương cũng cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành để có giá thành tốt nhất làm sản phẩm ví dụ như giảm phí các điểm tham quan từ 30% – 50%, trợ giá cho người du khách để ngành du lịch sớm phục hồi.

Ông Lại Minh Duy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc công ty TST tourist chia sẻ một trong những kinh nghiệm thành công của TST hiện nay là phát triển dòng sản phẩm ngắn ngày – không lợi nhuận, kích thích nhu cầu khách hàng. Ông Lại Minh Duy cho biết, ngay trong 15 ngày giãn cách xã hội TSTtourist đã hoàn tất cho ra đời bộ sản phẩm 4 tour kích cầu du lịch thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận: Về với Cù Lao Tân Phong (Tiền Giang); Đi tìm cánh đồng bất tận (Mộc Hoá – long An); Trải nghiệm nông nghiệp xanh Sài Gòn (Chủ Chi – Nông nghiệp Công nghệ cao); Ngắm Sài Gòn từ phía bên sông (Saigon Water bus – Bảo tàng Áo dài – Khu du lịch BCR) nhận được sự hưởng ứng tích cực từ du khách và sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền, sự động viên của Tổng Cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Lại Minh Duy cũng cho biết, TSTtourist còn triển khai các tour mới với từ 1-2 ngày đến Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Đước nhằm đa dạng hóa sản phẩm và đến nay đã hoàn thiện hơn 50 sản phẩm tour từ 1 – 6 ngày hoàn toàn mới trên phạm vi cả nước.  

Tình hình dịch bệnh khó khăn khiến mỗi đơn vị du lịch đều phải vật lộn tự tìm kiếm lối thoát. Nhưng dựa trên nền tảng là tôn trọng và phát triển du lịch bền vững, từ đó cho ra những sản phẩm mới đa dạng, phù hợp với những nhu cầu khác nhau và khắt khe hơn của du khách, nhiều đơn vị đã bước đầu vượt được khó và lấy lại sự hồi phục. 

Theo TUYẾT LOAN (Báo Nhân Dân)