Tiểu thương trình bày tại buổi làm việc
Theo các tiểu thương, họ kinh doanh từ khi mới thành lập chợ đến nay. Trước đây, tiểu thương được bố trí lô sạp cố định tại khu vực ngành hàng tạp hóa, quần áo may sẵn… Mỗi lô diện tích 5m2, phía trước có đường đi rộng khoảng 8m, để người dân đi lại mua sắm, thông thoáng, phòng cháy, chữa cháy. Năm 2014, do sửa chữa chợ nên một số lô trong nhà lồng chợ di dời vào giữa lối đi 8m này. Theo Ban Quản lý (BQL) chợ, chỉ bố trí tạm trong 3 tháng, nên không che chắn, không làm kios cố định, mỗi lô ngang 1,5m, dài 1m.
Thế nhưng đến nay, các kios tạm vẫn chưa dời nơi khác, mà còn tiến hành nâng cấp, đổ nền (mỗi sạp dài 2,2m), hình thành lối đi 2 bên, làm cho lối đi chính hẹp lại (mỗi bên chỉ còn lại khoảng 2,9m). Khách hàng đi lại gặp khó, các lô sạp không thể bày bán hàng như trước, ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
“Việc bố trí này, BQL không tham khảo, lấy ý kiến của tiểu thương. Trong khi đó, tại khu vực khác song song, lối đi rộng 8m vẫn được giữ nguyên. BQL không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, không chú ý đảm bảo an toàn cháy nổ. Rất mong các cấp chính quyền xem xét điều chỉnh việc xây dựng lô sạp, trả lại lối đi 8m thông thoáng như trước, để bà con chúng tôi thuận tiện mua bán, ổn định cuộc sống. Chúng tôi kinh doanh nhiều năm, đóng các loại phí, thuế đầy đủ cho Nhà nước theo quy định” - các tiểu thương đề nghị.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND thị trấn An Châu cho biết, huyện đã giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng chủ trì, phối hợp với địa phương và một số đơn vị liên quan. Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã báo cáo UBND huyện quá trình thực hiện, đề xuất kiến nghị đối với chợ An Châu. Năm 2019, UBND huyện giao Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng Lê Phát (Công ty Lê Phát) đầu tư nâng cấp, khai thác chợ An Châu (giai đoạn 3).
Công ty Lê Phát đã thi công khu đồ chay từ ngày 16/8/2023, được UBND thị trấn An Châu hỗ trợ giữ an ninh trật tự. Hiện trạng trước đây, khu đồ chay rộng khoảng 2m, theo thiết kế nâng cấp được duyệt 2,7m. Tuy nhiên, trong quá trình khởi công, hộ tiểu thương 2 bên ngăn cản, đa số yêu cầu thu hẹp lại. UBND thị trấn An Châu đã đề nghị UBND huyện chấp thuận cho thi công khu đồ chay chiều ngang 2,2m (mỗi bên giảm lại 0,25m so thiết kế).
Đồng thời, đề nghị UBND huyện xem xét, chấp thuận cho Công ty Lê Phát được thi công khu đồ chay, lập hồ sơ điều chỉnh lại thiết kế - dự toán chiều rộng 2,2m (thay vì 2,7m như thiết kế ban đầu), để có đường đi rộng hơn theo yêu cầu của tiểu thương. Riêng khu quần áo sẽ được thực hiện thi công sau Tết Nguyên đán 2024.
Đối với trường hợp khiếu nại của các hộ tiểu thương do ông Kiều Phú Thiềng đứng đơn đại diện, ngày 7/9, Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp UBND thị trấn An Châu, Công ty Lê Phát tổ chức họp dân để thông tin, giải thích. Gần 50 hộ tiểu thương tham dự, trong đó có 9/16 hộ ký tên trong đơn khiếu nại có mặt. Có 5 ý kiến xoay quanh việc trước đây BQL chợ sửa chữa, nâng cấp chợ đã mượn lối đi rộng 8m để bố trí tạm cho các hộ đồ chay.
Nhưng khi sửa chữa xong, không dời trở lại, mà cho buôn bán tại khu vực tạm này luôn. Họ đề nghị di dời, trả lại mặt bằng thông thoáng như trước, để bà con buôn bán thuận tiện, đảm bảo nguồn thu nhập, an toàn cháy nổ. Địa phương ghi nhận ý kiến; Phòng Kinh tế - Hạ tầng sẽ tham mưu UBND huyện xem xét ban hành văn bản trả lời ông Kiều Phú Thiềng và các tiểu thương.
“Thực tế, theo sơ đồ bố trí, mỗi bên dãy đồ chay còn lại lần lượt là 4,35m và 4,3m. Vài hộ tiểu thương buôn bán 2 bên lấn chiếm ra thêm, có hộ lấn gần 2m nên lối đi chung mới hẹp hơn” - đại diện UBND thị trấn An Châu cho biết thêm.
K.N