Giải trình về tuyển dụng giáo viên và tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia

25/09/2018 - 09:13

Ngày 24-9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên thời gian qua đã đảm bảo cơ bản về số lượng, cơ cấu. Chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng lên, đã có trên 99% giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề tuyển dụng, sử dụng đội ngũ vẫn cần tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới.

Theo chức năng quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch mạng lưới trường/lớp, không để những trường quy mô nhỏ, những lớp có số lượng học sinh không đủ theo định mức; thực hiện điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường/lớp thiếu giáo viên; ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên; chỉ đạo các địa phương tăng cường các giải pháp, không để xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 15-8, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên, trong đó, mầm non: 309.770 (công lập 262.155, ngoài công lập 47.615); tiểu học: 395.848 (công lập 390.873, ngoài công lập 4.975); trung học cơ sở: 305.815 (công lập 300.990, ngoài công lập 4.825); trung học phổ thông: 149.710 (công lập 135.819, ngoài công lập 13.891).

So với nhu cầu sử dụng theo định mức, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người (mầm non 43.732 người; tiểu học 18.953 người; trung học cơ sở 10.143 người; trung học phổ thông 3.161 người).

Riêng cấp trung học cơ sở, có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên đến thời điểm hiện tại mặc dù toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên trung học cơ sở nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên trung học cơ sở.

Do tình trạng thiếu giáo viên, một số nơi đã ký hợp đồng giáo viên ngoài biên chế được giao, không đúng với quy định hiện hành như Krông Pắk (Đắk Lắk), Cà Mau, Thanh Oai (Hà Nội), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị...



Các học sinh đến lớp ở điểm trường lẻ phải học ghép lớp trong một phòng học ở ấp 7, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Tại phiên giải trình, đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng việc phân công đầu mối tuyển dụng giáo viên hiện nay còn bất cập. Ngành giáo dục không được giao chủ trì nên không chủ động điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học. Công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả, dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên. Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp cũng chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ...

Theo đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (Thành phố Hồ Chí Minh), hiện nay có quy định tinh giản bộ máy, thay vào đó dần khuyến khích xã hội hóa, nhưng cần có lộ trình, thời gian. Việc xã hội hóa trong giáo dục mới được thực hiện ở các thành phố lớn, còn vùng xa hơn gần như không thể.

Trong khi đó, dân số trẻ, số người trong độ tuổi đi học tăng, trường lớp tăng, tất yếu có học sinh thì phải có giáo viên. Tuy nhiên, giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ chưa đủ để giải quyết nhanh, hiệu quả vấn đề này. Ở các vùng phát triển công nghiệp hiện nay, trường lớp đều quá tải và ngưng tuyển biên chế giáo viên theo chủ trương chung. Các trường có nhu cầu phải chờ duyệt, nhưng chờ xong thì hết năm học...

Để khắc phục kịp thời tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương năm học 2018-2019, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bộ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng giáo viên theo từng môn học, cấp học gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có và thực hiện chính sách tinh giản biên chế, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Về Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Kỳ thi được tổ chức từ năm 2015 đến nay đã đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng, giảm áp lực đối với thí sinh và xã hội. Tuy nhiên, còn một số khó khăn, hạn chế, thậm chí tiêu cực và gian lận.

Nhằm phát huy ưu điểm của Kỳ thi và tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với các khâu của Kỳ thi trong năm tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định phương thức tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia sẽ được tiếp tục giữ ổn định đến khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới (từ năm học 2019-2023).

Trước mắt, để tổ chức tốt Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019, toàn ngành thực hiện các giải pháp cơ bản rà soát, đánh giá nghiêm túc, xử lý kịp thời tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra năm nay, để rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi; tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh, kiểm tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo; gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của các địa phương đối với Hội đồng thi, vai trò giám sát của các trường đại học, cao đẳng trong tổ chức thi; cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan kết quả thi; nghiên cứu để áp dụng một số điều chỉnh về kỹ thuật trong tổ chức thi...

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu rõ mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng, sử dụng giáo viên khá nhiều, khoảng 20 văn bản dưới luật, nhưng vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, chưa thống nhất với nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, các ý kiến thảo luận tại phiên giải trình sẽ là cơ sở để đánh giá lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đội ngũ nhà giáo hiện hành, nhìn lại những vấn đề còn tồn tại để đề ra các giải pháp khắc phục. Thời gian tới, Ủy ban sẽ kiến nghị tăng cường giám sát tối cao để có đánh giá sâu hơn về lĩnh vực này.

Theo PV (TTXVN/VIETNAM+)