Nhiều mô hình nuôi lươn sạch đã ra đời, góp phần giảm bớt áp lực cho ngành hàng cá tra
Đa dạng hóa đối tượng nuôi
Trước thực tế này, để giảm bớt áp lực cho ngành hàng cá tra, tỉnh đang vận động ngư dân chuyển 500ha mặt nước nuôi cá tra kém chất lượng sang nuôi các đối tượng thủy sản khác (có giá trị kinh tế), như: cá chình, thác lác cườm, lươn, ếch, cá điêu hồng, cá lóc, cá trạch bùn… để vừa đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, vừa giảm bớt sản lượng cá tra, hạn chế áp lực trong khâu tiêu thụ cho ngành hàng này.
Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, Hiệp hội Nghề nuôi và Chế thủy sản tỉnh đã kết hợp các địa phương, như: TP. Châu Đốc, Châu Phú, Phú Tân (An Giang) mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân nuôi lươn, ếch, cá lóc; trang bị kiến thức và hướng dẫn ngư dân quy trình chọn lựa con giống, xử lý nước trong ao nuôi cũng như việc hình thành liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Qua các lớp tập huấn này, hiệp hội tiếp tục vận động ngư dân đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình tổ liên kết để các bên trong chuỗi chủ động được khâu tiêu thụ sản phẩm.
Từ cuối năm 2019 đến nay, việc xuất khẩu cá tra gặp khó khăn dẫn đến hệ lụy các mặt hàng cá chợ, như: điêu hồng, rô phi, cá lóc, cá rô cũng rớt giá, riêng mặt hàng lươn vẫn còn giữ được giá bán. Thực tế cho thấy, khi xuất khẩu gặp khó thì thị trường nội địa không tránh khỏi rủi ro. “Cá tra xuất khẩu hạn chế, người nuôi cá tra mang cá ra chợ truyền thống bán, từ đó gây áp lực lên các mặt hàng cá chợ. Nhiều năm qua, tình trạng này được lặp đi, lặp lại nhiều lần nhưng cơ quan quản lý chưa đưa ra được giải pháp xử lý triệt để” - ông Trương Hữu Phong (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) chia sẻ.
Năm 2020 đến nay, trong khi các mặt hàng cá chợ bị rớt giá thì con lươn có giá rất cao. Có thời điểm nông dân xuất bồn bán được với giá 210.000 đồng/kg. Với giá bán này, người nuôi có lợi nhuận tương đối cao. “Cái khó của ngư dân hiện nay là không dự đoán được thị trường, thiếu thông tin trong lĩnh vực mình đang làm, từ đó dẫn đến rủi ro rất cao. Nếu thấy con lươn giá cao, mọi người đổ xô nuôi thì đến thời điểm tiêu thụ, giá sẽ giảm và thua lỗ xảy ra. Nuôi làm sao cho thị trường vừa đủ tiêu thụ để hạn chế rủi ro là việc ai cũng muốn nhưng không làm được…” - bà Trần Thị Kiểu (xã Vĩnh Xương) bày tỏ.
Khai thác thị trường nội địa
Khai thác thị trường nội địa để tiêu thụ sản phẩm cá tra là câu chuyện đã được đặt ra từ năm 2000-2002, khi Hiệp hội Các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ không cho cá tra Việt Nam mang tên Cassfish. Khi ấy, Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang ra đời. Bằng sự kết hợp giữa hiệp hội và các doanh nghiệp (DN) chế biến trong tỉnh, An Giang đã đưa cá tra ra các tỉnh phía Bắc, lên Tây Nguyên, vào các binh đoàn của quân đội để tiêu thụ.
Song do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố về chi phí vận chuyển cao, mạng lưới phân phối chưa được xác lập bài bản, cùng với đó là công tác truyền thông chưa mang tính chuyên nghiệp, nên chương trình đưa cá tra ra thị trường nội địa thời điểm đó “bị gãy” và từ đó đến nay, nhiều DN, nhà quản lý vẫn nhắc đến thị trường nội địa như là một “cứu cánh” của ngành hàng cá tra khi ngành hàng này gặp sự cố trong hàng xuất khẩu. Do chưa có cơ chế hỗ trợ các DN tiên phong mở đường hình thành kênh phân phối bài bản, đến nay việc tiêu thụ sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa vẫn chưa như mong muốn.
“Để quảng bá hình ảnh cá tra ra thị trường nội địa, phải đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng mạnh mẽ, lâu dài. Muốn vậy, Nam Việt kiến nghị Chính phủ, hỗ trợ các DN chi phí quảng cáo vào “giờ vàng” trên VTV, HTV, Vĩnh Long và các cơ quan truyền thông khác. Có vậy, DN mới vực dậy thị trường nội địa một cách nhanh chóng” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới kiến nghị.
Áp lực trong khâu tiêu thụ của ngành hàng cá tra hiện nay là rất lớn, bởi nhìn vào số liệu của năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 cho thấy, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 1,49 tỷ USD, với sản lượng 1,56 triệu tấn, giảm 25,5% so năm 2019; trong khi diện tích nuôi của toàn vùng vẫn duy trì ở mức 5.700ha và có đến 120 cơ sở chuyên sản xuất con giống.
Như vậy, sản lượng cá tra thương phẩm ra thị trường là rất lớn, trong khi cả thế giới vẫn còn đang tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19; nếu không tìm cách giảm bớt diện tích, sản lượng nuôi thì ngành hàng này khó vượt qua điệp khúc mất cân đối cung - cầu. Đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản cùng với đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa để giảm bớt áp lực cho ngành hàng cá tra là việc phải làm.
Cùng với đó, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ DN tiên phong mở rộng thị trường, quản lý chặt quy hoạch nuôi để sản lượng không tăng đột biến, có vậy thì ngành hàng cá tra mới có thể phát triển ổn định và bền vững.
“Để giảm bớt áp lực trong khâu tiêu thụ sản phẩm cá tra, sau khi dịch bệnh COVID-19 tạm lắng, ngoài việc mở lại thị trường tiêu thụ cá tra tại các quốc gia phát triển, chúng tôi đề xuất cần có một tổ chức chuyên bán sản phẩm cá tra cho thị trường trong nước, bởi với dân số gần 100 triệu dân như hiện nay, đây là thị trường tiêu thụ cá tra rất tốt…” - TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam đề xuất. |
Bài, ảnh: MINH HIỂN