Kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2018, tính đến nay đã có 3 địa phương gian lận điểm thi bị phát hiện, đó là các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... Đây được coi là bê bối lớn nhất trong ngành giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua.
Cơ quan An ninh điều tra Công an các tỉnh Hà Giang, Sơn La đã lần lượt ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với các đối tượng liên quan để điều tra, làm rõ.
Và mới đây nhất, sau khi Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định khởi tố vụ án thì ngày 3-8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam (4 tháng), lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Đỗ Mạnh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy; Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hòa Bình, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đồ họa điểm thi bất thường ở Hòa Bình. Ảnh: Người lao động
Thông tin về những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 xảy ra tại Hòa Bình, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, cho biết, đến nay chưa rõ bao nhiêu bài thi đã được can thiệp, sửa điểm và ông cho rằng: "Tôi nghĩ mình không chủ quan, theo trực quan của tôi và tôi tin tưởng anh em. Không hề có sự che giấu nào ở đây vì chúng tôi đã chủ động báo cáo lên các cấp lãnh đạo. Hiện tôi chưa thể nói được nội dung cụ thể trong báo cáo nên khi nào cung cấp được, chúng tôi sẽ cung cấp cho báo chí. Sự việc xảy ra tôi thấy buồn, áy náy".
Trước đó, cũng chính ông Đắc đánh giá: điểm thi của các thí sinh ở Hòa Bình là khách quan, trung thực, không có gì bất thường. Và đến khi sự việc xảy ra ông Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình gửi lời xin lỗi phụ huynh, học sinh vì để xảy ra sự việc này.
Đánh giá về mức độ sai phạm trong điểm thi tại Hòa Bình, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho biết sai phạm điểm thi được thực hiện có ý đồ, tổ chức, nhằm thay đổi kết quả, làm mất sự công bằng của kỳ thi. Ông Trinh cũng cho rằng, mức độ ở Hòa Bình còn tinh vi hơn ở Sơn La, Hà Giang.
Trước nghi vấn có sự bao che cho sai phạm hay không khi mà trước đó, từ ngày 21 đến 23-7, Bộ GD&ĐT từng chấm thẩm định ở Hòa Bình nhưng không phát hiện bất thường, ông Mai Văn Trinh nói tổ chấm thẩm định chấm trên bài thi. Bài thế nào thì khi chấm phản ánh như vậy. Tổ chấm thẩm định đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Trước đó, vấn đề điểm thi bất thường ở Hòa Bình đã được các chuyên gia lên tiếng cảnh báo ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi THPT quốc gia 2018.
Kết quả phân tích điểm thi của tỉnh Hòa Bình cho thấy, với 27 trong tổng số 8.900 thí sinh dự thi môn toán đạt từ 9 điểm trở lên, chiếm 0,3%, Hòa Bình chỉ xếp sau Hà Giang (điểm giả, công bố lần đầu), còn vượt xa các tỉnh khác về tỷ lệ thí sinh đạt mức điểm này.
Cụ thể, tỷ lệ này của Hòa Bình cao gấp 5 lần tỷ lệ chung của cả nước là 0,06%, gấp 3 lần của Hà Nội (là 0,1%), gấp hơn 7 lần của TP.HCM (là 0,04%) và hơn 4 lần của Nam Định (0,07%).
Số lượng thí sinh đạt điểm 9 trở lên của Hòa Bình gần bằng TP.HCM (32 thí sinh), cao gấp hơn 2 lần Nam Định (13 thí sinh). Trong khi đó, số lượng thí sinh dự thi môn toán của TP.HCM là 78.033 thí sinh, cao gấp 11 lần của Hòa Bình; còn Nam Định là 19.675 thí sinh, cao gấp 2,2 lần của Hòa Bình...
Sau khi sự việc được báo cáo, vào cuộc điều tra, cơ quan Công an đã triệu tập 5 người có liên quan để làm rõ và đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra. Sau đó cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 2 cán bộ có liên quan.
Theo T.THỦY (Báo Công Lý)