Giao thoa tục ăn Tết các vùng, miền

02/02/2019 - 07:00

 - Mỗi vùng, miền trên dải đất hình chữ S đều có những phong tục, truyền thống khác nhau trong dịp Tết Nguyên đán. Sự khác biệt rõ nét nhất là cách chuẩn bị trong gia đình và thưởng thức các món ăn đặc trưng đầu năm mới.

Hấp dẫn Tết miền Tây

Đối với những người từ miền Trung, miền Bắc, ấn tượng đầu tiên là cách sống phóng khoáng của người miền Nam. Sự phóng khoáng đó không chỉ thể hiện trong giao tiếp, mà còn bộc lộ trong nếp sống, thói quen ăn uống.

Vào An Giang định cư từ năm 1980, ông Phan Chung (hiện sống xã Bình Chánh, Châu Phú) cho biết, Tết ở miền Nam xôm tụ hơn ở quê ông rất nhiều (Thừa Thiên - Huế). Không khí náo nhiệt diễn ra ngay từ những ngày giáp Tết. Mọi người có thói quen quây quần cả xóm để cùng vui chơi, kể nhau nghe việc làm ăn, không giới hạn trong phạm vi họ tộc hay gia đình riêng. Người miền Nam bộc lộ rõ tính cách ưa thích sự kết nối rộng rãi, phóng khoáng, dù là ai đến đây sống sẽ dễ dàng bắt nhịp rất nhanh. Sống ở An Giang gần 20 năm, anh Nguyễn Văn Thắng, sĩ quan Lữ đoàn 962 (quê ở Hà Tĩnh) cảm nhận về Tết phương Nam có những thú vị rất riêng. “Do sản vật khá đa dạng, phong phú nên mọi người rất coi trọng khi chọn mâm ngũ quả. Món ăn ngày Tết ở miền Nam nhiều nhưng chế biến đơn giản, chủ yếu dựa trên ý nghĩa, không cầu kỳ như miền Bắc. Để “chơi Tết”, người miền Nam có xu hướng đi du xuân nhiều hơn, còn miền Bắc thì có nhiều lễ hội hơn” - anh Thắng chia sẻ.

Giao thoa tục ăn Tết các vùng, miền

Khi nét chung - riêng hòa hợp

Tết, dù chuẩn bị như thế nào, ai cũng mong gia đình được êm ấm, tươm tất để gác chuyện năm cũ sang một bên, đón năm mới nhiều kỳ vọng. Chị Lê Thị Thủy (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), quê ở tỉnh Nghệ An vào miền Nam học tập và làm việc đã 18 năm. Chị Thủy cho biết, suốt thời gian qua chỉ về thăm quê 2 lần. Chị thích nghi cuộc sống mới rất nhanh và yêu mến con người nơi đây. Theo tập quán ở quê chị, ngày đầu năm mọi người sẽ đến từng nhà chúc Tết, hết nhà này sang nhà khác. Một số đồng hương sống trong miền Nam như chị vẫn còn giữ tập tục này.

Ngay trong món bánh đặc trưng là bánh tét ở miền Nam cũng đa dạng về nhân, mùi vị, màu sắc và không theo công thức cố định, miễn gia chủ thấy ngon. Điều này tạo điều kiện cho người thưởng thức sự khám phá, dễ tiếp nhận hơn. Theo quan niệm, cách chưng mâm ngũ quả ở miền Nam và miền Bắc có sự khác nhau. Do “chạy” theo phát âm nên những loại trái cây được miền Nam ưa chuộng đặt lên bàn thờ đều có ý nghĩa may mắn, suôn sẻ, tốt lành. Như: mãng cầu (cầu mong, cầu gì được nấy), dừa (vừa đủ), quả sung (sung túc), xoài (tiêu xài thoải mái), đu đủ (đầy đủ, không lo thiếu trước hụt sau), trái dư (dư giả, có của ăn của để), bưởi (sự thịnh vượng)… Ở miền Bắc, thích chưng các loại trái cây tượng trưng theo quan niệm ngũ phúc, cơ bản là chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, quả phật thủ, trang trí thêm ớt đỏ, vải… Tuy nhiên, với những ai đang tiếp nhận cả 2 luồng văn hóa, miễn mâm ngũ quả vượt trên 5 màu sắc, sắp cho đầy và cao thì được, mọi quan niệm đều “nới lỏng” thoải mái hơn.

Đã không còn xa lạ khi mọi người bắt gặp giữa miền Nam rực nắng vàng, phủ đầy sắc mai, hoa cúc, vạn thọ bỗng “lọt thỏm” đâu đó cành đào, mấy cặp bánh chưng xanh trên bàn khách của nhà ai đó. Trên bàn tiệc cũng hội ngộ thịt đông, xôi gấc, cháo mật, giò chả, kẹo lạc (kẹo đậu phộng), nem rán, dưa hành cùng sắp cạnh thịt kho tàu, dưa món, bánh tét… Anh Phạm Trung Hiếu (xã Bình Mỹ, Châu Phú) sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nhưng gia đình còn giữ tục đón Tết truyền thống của xứ Huế nên anh thưởng thức rất nhiều đặc sản quê nhà. Sáng mùng 1 Tết, bà con dòng họ tập trung về nhà con cả để cúng ông bà, sau đó quây quần ăn bữa cơm sum họp. Đặc sản không thể thiếu là mắm rò (cá rò tựa như cá cơm) gửi từ miền Trung vào. Thưởng thức mắm rò phải ăn kèm lá tía tô, húng nhũi, dưa giá, lá thơm, dưa leo, thịt thăn xắt mỏng quấn bánh tráng phun sương. Ngoài ra, còn có món chả da làm thủ công theo bí quyết gia truyền có mùi thơm đặc trưng của tiêu sọ và món mè xửng thơm béo “ăn chơi” bên những tách trà thơm nóng hổi.

Ngày Tết là dịp duy nhất trong năm có sự sum họp đầy đủ của các thành viên trong gia đình. Những người ở vùng, miền khác nhau dù đón Tết như thế nào, hòa hợp ít hay nhiều với phong tục, tập quán bản địa, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa giao thoa ấn tượng cho nơi mình sinh sống.

MỸ HẠNH