Giáo viên chủ nhiệm

20/11/2018 - 06:49

 - Làm giáo viên chủ nhiệm, hẳn ai cũng cho rằng, đó là việc “cực nhưng vui”. Có người chỉ kiêm nhiệm một vài năm nhưng có người gắn bó với vai trò ấy đến khi về hưu. Những cung bậc cảm xúc buồn vui, bức bối, tức giận, hạnh phúc hay ngạc nhiên... đã vô tình giúp người giáo viên chủ nhiệm trở thành “nhà tâm lý học” sành sỏi tự lúc nào không hay.

Lớp học có đoàn kết hay không, vai trò người giáo viên chủ nhiệm rất lớn

Có lẽ, mỗi người sẽ có một hình bóng, một kỷ niệm khó quên về người giáo viên chủ nhiệm của mình trong quãng đời học sinh. Đó có thể là cô giáo hiền từ, quan tâm và lo lắng từng cử động nhỏ của lớp, hay người thầy điềm đạm, ít nói hoặc có phần nghiêm khắc nhưng lại luôn am hiểu từng tính cách của học trò mình. Dẫu là ai, giáo viên chủ nhiệm luôn là người gắn bó và gần gũi nhất với học sinh.

Quản lý lớp học gần 40 học sinh, mỗi em là một tính cách, một hoàn cảnh, một tình cảm là thách thức không hề nhỏ với người giáo viên chủ nhiệm. Mọi cảm xúc cứ đan xen không liền mạch, đặc biệt là lúc nào cũng phải chuẩn bị tâm lý để nghe vô vàn chuyện lớn, nhỏ về học trò lớp mình. Nào là không thuộc bài, điểm kém, mất trật tự, có thái độ vô lễ, yêu đương nhăng nhích hay ăn mặc sai quy định, tóc tai không gọn gàng, vi phạm luật giao thông...

Hẳn, mỗi giáo viên sẽ có cách xử lý tình huống khác nhau, giáo viên nam khác giáo viên nữ, giáo viên lớn tuổi có kinh nghiệm sẽ khác giáo viên trẻ năng động, nhiệt huyết. Nhưng có một điều ai cũng nhận thấy là, những bài học tâm lý được dạy và học thời sinh viên chỉ là lý thuyết khô khan, khó vận dụng trước vô số đứa học trò cá tính, đang bước vào đời bằng nhận thức non dại.

Qua 6 năm làm công tác chủ nhiệm, cô Cao Thanh Tuyền (chủ nhiệm lớp 12A6, Trường THPT Nguyễn Quang Diêu, xã Tân An, TX. Tân Châu) vẫn tự nhận bản thân còn rất “non” kinh nghiệm và rất cần học hỏi nhiều hơn nữa. Bởi theo cô Tuyền, đôi khi vừa thích nghi, quen dần với tính cách từng em đang chủ nhiệm thì đã hết năm học. Mọi kinh nghiệm về lớp chủ nhiệm trước tưởng chừng có thể áp dụng được cho lớp sau nhưng lại chẳng dễ dàng, vì tính cách và hoàn cảnh của các em không bao giờ giống nhau.

“Lần đầu được phân công chủ nhiệm lớp 11, tôi lo lắm. Phần vì chưa có kinh nghiệm và hoang mang không biết phải đối phó thế nào với 1 lớp được cho là có nhiều học sinh cá biệt nhất ở trường. Nếu hiền và nhân nhượng thì các em sẽ lấn lướt, không nghe lời giáo viên chủ nhiệm. Còn bặm trợn, nghiêm khắc, quy cũ quá thì các em sẽ xa lánh. Tôi tìm hiểu hoàn cảnh của từng em, mỗi giờ lên lớp luôn quan sát, cố gắng nắm bắt tâm lý từng học trò.

Để thuận tiện hơn trong việc chủ nhiệm, tôi còn liên hệ với giáo viên chủ nhiệm năm trước của các em để hiểu hơn về học sinh. Chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng khi va chạm thực tế tôi mới thấy, giáo viên chủ nhiệm là nhiệm vụ không dễ dàng. Vượt qua những áp lực ban đầu, giáo viên chủ nhiệm còn phải am tường từng hoàn cảnh. Việc đến tận nhà các em để nắm bắt tâm tư, tình cảm là chuyện thường xuyên của người chủ nhiệm.

Chưa kể, không ít phụ huynh bênh con, có lời lẽ không hay với mình. Lúc ấy, tôi chỉ biết giải thích nhỏ nhẹ cho họ hiểu, chứ không dám làm căng. Dù thế nào, tôi cũng không cho phép mình yếu đuối, vì giáo viên chủ nhiệm chỉ có một con đường để đi là dìu dắt, nâng đỡ, định hướng những “đứa con” của mình nên người trong tương lai” - cô Tuyền tâm sự.

Cô Tuyền cho rằng, mỗi học sinh cá biệt đều có hoàn cảnh rất đáng thương, các em có số phận không may như các bạn đồng trang lứa. Với những học sinh này, để uốn nắn các em chỉ có thể dùng phương pháp mềm dẻo, khuyên răn, động viên bằng tình cảm chân thành để các em nhận ra sự quan tâm của giáo viên mà dần dần thay đổi. Với người giáo viên chủ nhiệm, đau lòng nhất đối với họ là khi học sinh mình bị phê bình về hạnh kiểm, đạo đức chưa tốt. Đó là mục tiêu người chủ nhiệm phải phấn đấu, giúp những học sinh ấy ngoan hơn, để được thầy yêu bạn quý hơn từng ngày. Thời đại ngày nay, không ít giáo viên bảo rằng, học trò khác xưa nhiều quá nên công tác chủ nhiệm vì thế cũng gặp nhiều áp lực, khó khăn hơn.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hòa Bình (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Quang Diêu) chia sẻ: “Thời tôi còn làm giáo viên chủ nhiệm, tất cả đều thiếu thốn chứ không đầy đủ như bây giờ. Khó khăn về vật chất nhiều nhưng bù lại, cái chúng tôi có là những tình cảm chân thật giữa thầy và trò. Đến tận bây giờ, nhiều lớp tôi chủ nhiệm hàng chục năm về trước vẫn tìm về thăm mỗi dịp lễ, Tết. Lúc ấy, bao câu chuyện vui, buồn thuở xa xưa được lật lại qua những hoài niệm của thầy và trò khiến tôi càng tự hào với nghề nhà giáo!”.

Bài, ảnh: P.L