Nghiên cứu về đời sống giáo viên tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang của Viện Phát triển chính sách (ĐH Quốc gia TPHCM) công bố hồi giữa tháng 11/2024 cho thấy 25,4% giáo viên cho biết đã dạy thêm trong trường và 8,2% có dạy thêm ngoài trường. Đây là kết quả phỏng vấn gần 13.000 giáo viên, nhà quản lý giáo dục trong tháng 9 và 10/2024.
Theo nghiên cứu, việc dạy thêm chủ yếu tập trung vào các môn học như Toán, Văn, Anh Văn, Lý, Hóa. Giáo viên dạy thêm ở cấp tiểu học là 8,6 giờ/tuần, cấp THCS là 13,75 giờ/tuần và cấp THPT là 14,91 giờ/tuần.
Giáo viên có thể dạy thêm tại trường, tại nhà, ở trung tâm, online hoặc trên các kho dữ liệu học tập mở.
Tại thời điểm nghiên cứu của Viện phát triển chính sách diễn ra, theo Thông tư (hiện hành) số 17/2012/TT-BGDĐT, việc tổ chức dạy thêm tại nhà đang bị cấm nhưng nhiều giáo viên vẫn thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Khi được hỏi về nguyện vọng, gần ⅔ số giáo viên tham gia khảo sát (63,57%) cho biết họ mong được hợp pháp hóa việc dạy thêm, bao gồm cả dạy thêm ở nhà và dạy thêm online, để tăng thu nhập từ chính năng lực của mình.
Thông tư mới của Bộ GD-ĐT siết việc dạy thêm thế nào?
Theo Bộ GD-ĐT, Thông tư mới về dạy thêm được xây dựng trên ba quan điểm chính: Đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của giáo viên và học sinh; Đảm bảo việc dạy thêm, học thêm không ảnh hưởng đến chương trình chính khóa; Ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến tình trạng học sinh dù không có nhu cầu vẫn phải đi học thêm do nhà trường, giáo viên tổ chức.
Cụ thể hóa quan điểm này, thông tư mới quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm: Giáo viên, nhà trường không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp liên quan đến bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường cũng không được dạy thêm ngoài trường có thu tiền đối với học sinh mình đang dạy.
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm.
Thông tư của Bộ cũng nêu rõ việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ dành cho 3 đối tượng: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Cả 3 nhóm học sinh trên đều không phải nộp tiền học thêm. Kinh phí tổ chức dạy thêm thuộc trách nhiệm của nhà trường để bảo đảm quyền lợi của tất cả các học sinh, đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình.
Tại nhà trường, trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết; không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh, các tổ chức, cá nhân phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Phụ huynh nói gì về quy định mới dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT?
Thông tư mới về dạy thêm học thêm của Bộ GD-ĐT thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên, phụ huynh. Không ít phụ huynh bày tỏ ý kiến ủng hộ một số quy định về các trường hợp không cho phép dạy thêm nêu trong thông tư.
Có hai con đang học cấp THCS và THPT tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chị Vũ Bình An cho rằng, việc cấm giáo viên dạy thêm bên ngoài, có thu tiền với học sinh mình dạy chính khóa sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng ép học thêm.
“Tôi nghĩ quy định này không hề làm khó giáo viên hay học sinh, phụ huynh. Nếu học sinh có nhu cầu củng cố hay nâng cao kiến thức, các em tìm đến giáo viên giỏi, phù hợp, không phải chịu áp lực phải theo cô giáo dạy trên lớp. Còn giáo viên tham gia dạy thêm muốn thu hút nhiều người học hãy nâng cao trình độ, xây dựng thương hiệu uy tín… Như vậy rõ ràng sẽ tạo động lực tích cực và mang lại lợi ích cho cả giáo viên và học sinh”, chị An nêu quan điểm.
Cũng đồng tình với ý kiến này, một độc giả khác bày tỏ: Những quy định mới khá hợp lý khi bố trí dạy phụ đạo cho học sinh yếu hay bồi dưỡng học sinh giỏi, củng cố kiến thức cho các em sắp thi chuyển cấp… Như vậy, nếu học sinh và phụ huynh có các nhu cầu khác có thể tìm gia sư, đến trung tâm hay tham gia lớp học của bất cứ thầy cô nào thấy phù hợp…
Tuy nhiên, cũng có một số phụ huynh cho rằng không nên cấm giáo viên dạy thêm.
Chia sẻ với VietNamNet, một độc giả tên Kiên bày tỏ, mặc dù thương con phải học thêm nhiều, ít thời gian nghỉ ngơi vui chơi, anh thấy con mình học thực sự tốt lên khi đi học thêm. Hơn nữa, theo anh, mỗi giáo viên cũng chỉ dạy 2-3 buổi/tuần và đó là nguồn hỗ trợ tài chính đáng kể với thầy cô.
“Tôi có lẽ là số ít những người ủng hộ giáo viên tiểu học dạy thêm bởi tôi biết thầy cô ra trường cỡ 10 năm may ra tổng thu nhập chỉ hơn 10 triệu, giáo viên mới ra trường chỉ vài triệu. Nếu không được dạy thêm, liệu số lương ít ỏi đó có đủ cho giáo viên sống ở thành phố? Khi thu nhập từ việc đi dạy không đủ để trang trải sinh hoạt, giáo viên phải làm thêm các nghề khác, liệu họ có còn hứng thú để dạy tiếp, hay sẽ lại có những làn sóng bỏ việc?”, anh Kiên nêu vấn đề.
Theo anh, học là tự nguyện, việc dạy thêm là nhu cầu, nếu người cần học không được tiếp cận với người muốn dạy, trẻ sẽ phải học ở đâu?
“Có bao nhiêu phụ huynh ở Việt Nam có thể tự kèm con học? Tôi tin số đó rất ít. Mình không tự dạy được, gửi gắm con cho giáo viên đang dạy chính khóa, thầy cô biết được điểm mạnh, điểm yếu của trẻ ở đâu để bồi dưỡng, là đúng chứ? Có ai dám nói cứng rằng đi học tiểu học chỉ cần biết đọc biết viết là được? Chúng ta có chấp nhận mọi kết quả học tập không?”, độc giả bộc bạch.