Giáo viên vùng sâu

01/09/2024 - 09:11

Những ngày tháng chín chậm chạp bước qua ngõ. Không khí thu đang tràn khắp ngôi nhà nhỏ ba gian. Minh lục lọi mớ đồ cũ, gom vào một chỗ riêng để ngày mai chuẩn bị vào lại trường.

Ba tháng hè trôi qua, Minh được nghỉ gần như trọn vẹn ở nhà. Chăm vườn rau, làm hàng rào cho mẹ; mua thêm ít gà giống về nuôi, tới gần tết còn làm thịt.

Bắt đầu năm học mới, Minh ít có thời gian về nhà thường xuyên nữa. Từ chỗ anh ở tới trường cũng hơn ba mươi cây số, đường đi mùa này, mưa và sình lầy. Hầu như lần nào anh cùng một số giáo viên trở lại trường đều vất vả. Băng qua những con đường quanh co, nếu không phải là tay lái cứng, quen địa hình thì chắc đi một ngày, cả đoàn giáo viên cũng chưa tới được điểm trường.

Hầu như năm học nào cũng thế, về nhà rồi lại chẳng muốn trở lại. Tâm lý đè nặng lên những thanh niên trai tráng như Minh. Biết ở nhà sẽ phụ giúp gia đình được nhiều hơn, công cuộc “tìm vợ” cũng dễ dàng hơn. Nhưng cứ nghĩ đến ánh mắt trong veo của những đứa trẻ, anh lại không đành lòng.

Trước lúc nghỉ hè, chúng đã kéo nhau ra tận nhà công vụ của trường, đứng hàng giờ để mong gửi gắm đến thầy mấy điều. Nói là nhà công vụ nhưng chỉ là mấy căn phòng học được ngăn ra, thầy trò quấn quýt với nhau cả tuần, chăm học sinh như con của mình vậy. Chúng muốn thầy quay trở lại sớm, đúng thời điểm năm học mới.

Những đứa trẻ đen đúa, đầu tóc rối bời, có đứa mũi còn lò thò nhưng khao khát đến trường mãnh liệt. Chúng sợ một ngày các thầy cứ thế mà rời bỏ trường để về nơi phố thị.

Biết bao nhiêu cô giáo trẻ đến đây, chỉ còn vài cô kiên nhẫn, chăm lo cho chúng những bữa cơm trưa ở trường, có chút thịt, chút cá khi đoàn từ thiện từ thành phố hoặc thị xã vào thăm. Còn lại quanh năm, cái nóng, lạnh, gió, mưa cứ thi nhau đổ về. Nhớ năm nào đó, có hai chiến sĩ biên phòng thiệt mạng vì cứu giúp bà con trong đợt mưa bão tràn qua.

Đợt đó, Minh cũng ở lại trường, chở che cho bọn trẻ. Những ánh mắt sợ sệt, những đôi môi run lên cầm cập vì lạnh trong một chiều mùa thu se sắt khiến lòng Minh không khỏi xót xa.

Ở nhà lúc này, Minh cũng có mấy đứa cháu nhỏ con của chị hai nhưng chúng được đủ đầy, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Mùa hè chúng cũng được ba mẹ cho đi học các lớp năng khiếu. Hôm rồi về, chúng xúm lại bên cậu, gom những bộ quần áo để đầu năm học mới cậu mang vào trường cho các bạn. Chị hai thở dài não nuột:

- Cậu tính làm giáo viên vùng sâu hoài vậy sao? Bao giờ về thành phố để cưới vợ, cho mẹ có cháu bồng bế chứ?

Minh nhìn xa xăm, ánh mắt buồn rười rượi dõi theo hàng râm bụt trước nhà. Nắng xuyên qua hàng cây vối báo hiệu một mùa tựu trường sắp đến. Lòng anh nhiều hỗn độn và mâu thuẫn nhưng hơn hết vẫn là không nỡ đối với lũ trẻ nhỏ.

Những mùa hè trôi đi, lần nào trở lại trường cũng phải vững tâm và vững chí, vững cả chân ga. Những đám bùn trên đường vào trường cứ thế tấp vào bộ quần áo mưa, vào bánh xe và dính hết lên những đồ đạc mang theo. Mẹ của Minh phải bọc chúng trong hai, ba lớp bao nylon dày, buộc thật chặt để khi tới nơi mở ra không bị hỏng hóc hay dơ bẩn. Hoặc nhỡ có tuột dây thun trên đường thì Minh và đồng nghiệp cũng có thể buộc lại gọn gàng để tiếp tục hành trình.

Anh nhớ những buổi sáng đầu thu năm ấy, cũng là đoàn xe này, chín anh em cùng nhau vào trường. Đồ đạc lỉnh kỉnh lại còn có thêm một bộ đồ nghề vá xe, thay lốp, thay phanh.

Anh Nhân dạy trước Minh hai năm. Mùa Thu năm ấy, vì vội vã đi trước để kịp đón học trò nên một mình lặn lội giữa trời mưa chưa ngớt, đi chưa được nửa quãng đường thì xe chết máy. Lúc đó, một mình anh đẩy xe, xe cũng không hề nhúc nhích. Lực bất tòng tâm. Một anh trai mạnh mẽ như thế đã đứng khóc như mưa trên đoạn đường vắng vẻ hôm đó. Đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời Nhân thấy hành trình giáo viên vùng sâu gian nan hết sức.

- Anh đã phải làm cách nào để vượt qua? Tiếng anh Quân vang lên, xóa tan bầu không khí ảm đạm khi các anh đang ngồi nghỉ ven đường, nhớ lại chuyện cũ năm ấy.

- Anh trèo lên một tảng đá, để cho xe mặc kệ bầy hầy, nhầy nhụa dưới đường. Mang được ba lô lên, mở lấy lương khô ăn, uống nước và cầm cự đến gần sáng chứ sao. Đêm đó là một đêm đầy ác mộng, tưởng như chặng đường đến trường đã dừng lại rồi đấy chứ!

Mấy anh em râm ran kể cho nhau chuyện cũ. Ai cũng có những kỷ niệm đáng nhớ nhưng điều duy nhất họ duy trì được đến tận bây giờ là chưa dừng bước đến trường.

*

Xã X. đón những thầy giáo vào đầu năm học bằng một cơn mưa nhỏ. Năm nay xác định lên sớm một chút để tránh đường trơn, lầy lội và sắp xếp ngăn nắp cho các em học sinh nên đội hình giáo viên vùng sâu đã báo trước cho một vài giáo viên trong xã.

Các em nghe tin thầy lên đã háo hức từ sáng sớm, đứa ẵm em, đứa lội bộ đến trường lau dọn phòng học, nhà công vụ cùng các thầy cô. Nghe tiếng xe từ phía xa, cả lũ trẻ ào ào chạy ra, đứa quấn lấy chân thầy, đứa quấn lấy tay, vội vàng giúp thầy bê đồ xuống. Với lũ nhỏ này, lúc nào Minh cũng thấy năng lượng của chúng tràn trề. Bữa cơm ở trường lâu lâu mới có cá, có thịt nên đứa nào cũng thích ở trường.

Sắp xếp xong chỗ ăn, ở trong năm học mới. Minh cùng anh Nhân và một vài em đi chặt mấy cây tre về làm hàng rào trước các lớp, khoanh tròn, ô vuông để trồng hoa, chấm điểm từng lớp. Các thầy bảo sẽ có bất ngờ dành cho các em trong năm nay nhưng cứ phải lao động đã. "Chúng ta sẽ có buổi cơm chiều và mở quà từ thành phố gửi vào". Cả đám trẻ râm ran:

- Vâng ạ, vâng ạ!

*

Năm học mới bắt đầu trước một tuần. Khi Minh đang sắp xếp chỗ ở cho một em học sinh mới thì Thu tới. Cô rón rén đứng ở cửa, ấp úng:

- Dạ, cho em gặp anh Minh, em nghe thầy hiệu trưởng bảo anh sẽ sắp xếp chỗ ăn ở cho em ạ!

Minh đang lúi húi mở bọc đồ, quay ra nhìn cô gái trẻ măng trước mặt mình. Một chút ngượng ngùng giữa hai người. Minh vội vàng:

- Ủa, giáo viên mới hả, vào đây em, chút sắp xếp xong cho mấy bạn này, anh sẽ đưa em qua khu vực giáo viên. Ở đó còn hai phòng trống, em chọn phòng nào cũng được. Mấy giáo viên cũ đã về dưới phố rồi.

Thu ôm chiếc ba lô nhỏ, khẽ khàng ngồi xuống chiếc giường sắt nhỏ. Tay mân mê tà áo. Bé học sinh vội vàng chạy đến, quấn lấy Thu, thỏ thẻ:

- Cô ơi, cô ở lại với chúng con lâu thật lâu nha cô?

Thu cười, xoa đầu em bé, nhẹ nhàng bảo:

- Nếu các con ngoan, học giỏi, nghe lời ba mẹ, cô sẽ đồng hành cùng các con thật lâu.

*

Buổi tối, khi một số giáo viên đã đi ngủ sau một ngày sắp xếp lại phòng của mình. Minh và anh Nhân ra sau phòng giám hiệu, ngồi chụm một đống lửa nướng khoai. Thu từ phòng đi ra, nhẹ nhàng xin gia nhập. Lúc ba anh em đang bàn tán rôm rả về hành trình sắp tới thì có tiếng la thất thanh từ phòng của lũ nhỏ.

- Thầy ơi, cô ơi, cứu bạn Hạnh với, bạn ấy bị làm sao rồi này.

Nghe tiếng thất thanh, cả ba anh em cùng bỏ dở mấy củ khoai nóng hổi chưa kịp ăn, chạy vào bên trong xem. Nghe ồn ào, các thầy phòng bên cạnh cũng chạy qua. Bé Hạnh, học sinh lớp bốn đang nằm trên giường, miệng rên la đau đớn, tay ôm lấy bụng.

Theo phản xạ tự nhiên, Thu ào tới, lấy tay sờ nắn bụng bé. Cô quả quyết:

- Chắc Hạnh bị ruột thừa rồi, chúng ta phải nhanh chóng đưa em lên trạm y tế xã để xin xe chuyển xuống tuyến huyện.

Minh và anh Nhân ngơ ngác, chưa hiểu gì. Nhưng quá cấp bách, anh cứ thế ào tới ôm lấy Hạnh rồi bế thốc nó chạy dọc theo đường mòn xuống trạm y tế xã. Quãng đường từ trường tới trạm y tế xã chỉ hơn một cây số nhưng đêm tối trở nên dài hơn.

*

Một đêm quá dài đối với Minh, Thu và các đồng nghiệp. Tới bệnh viện huyện, Hạnh được đưa vào cấp cứu và chẩn đoán đau ruột thừa như Thu nói, chỉ định mổ gấp, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Khi mọi người cho Hạnh vào phòng mổ, đứng ngấp nghé ở ngoài chờ đợi, Minh mới đủ bình tĩnh để hỏi Thu:

- Sao em nghi Hạnh bị ruột thừa?

- Em… thì em học chuyên ngành mà. Em về đây là để phụ trách mảng y tế nhà trường. Hôm rồi gặp thầy hiệu trưởng đưa mẹ xuống thành phố trị bệnh, nghe kể tình hình anh em trên này nên vừa ra trường, em tình nguyện lên đây phục vụ trường mình. Biết đâu khi không có công việc y tế, em cũng phụ giúp các anh dạy học cho các em nữa.

*

Mắt Minh lấp lánh niềm vui, những đồng nghiệp đi cùng cũng vui lây. Mấy anh chị em trong trường ngồi túm tụm lại với nhau chờ ca mổ. Ba mẹ Hạnh hay tin cũng đã vội vàng chạy vào bệnh viện với con.

Điểm trường năm nay có thêm một nữ y tế chăm lo sức khỏe cho các em khi ở trường. Minh nhìn ra phía xa xa, ở đó xe cộ đi lại đông đúc, mùi bệnh viện xộc lên mũi hay chính ánh mắt anh đang cay xè vì xúc động.

Anh hy vọng mùa tựu trường này và nhiều mùa nữa, anh và đồng nghiệp, bây giờ có thêm Thu sẽ đồng hành cùng lũ trò nhỏ trong những gian nan kiếm tìm con chữ./.

Theo THỤY (Báo Long An)