Gieo niềm tin gặt sự đồng thuận - Kỳ I: Nỗ lực gieo niềm tin

28/09/2022 - 09:10

 - LTS: Củng cố niềm tin của nhân dân chính là điều kiện để tăng cường sức mạnh của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, điều kiện để vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị. Ở An Giang, công tác tư tưởng thời gian qua đã góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy sức sáng tạo và động viên, cổ vũ nhân dân toàn tỉnh tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ...

An Giang ngày càng phát triển, giàu mạnh

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tư tưởng để cũng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng, mang Đảng đến gần dân,  suốt thời gian qua, Đảng bộ tỉnh An Giang luôn chú trọng đến công tác tư tưởng, trong đó trọng yếu là công tác tuyên truyền. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, quan trọng, nhằm tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước, thúc đẩy các tầng lớp nhân dân hành động tích cực và sáng tạo để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước.

Là tỉnh đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm phía Tây Nam của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên trên 3.536 km2, trong đó diện tích khu vực biên giới trên 320 km2, với đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp 2 tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia), có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia, 1 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở qua lại dọc biên giới. Dân số trên 1,9 triệu người (1.908.352), An Giang là tỉnh có dân số đông nhất khu vực ĐBSCL và đứng thứ 8 cả nước. Đồng thời, là nơi có nền văn hóa vừa đặc sắc, vừa đa dạng; là nơi khởi nguồn nhiều tôn giáo bản địa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống... Những đặc điểm đó, vừa là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa, vừa tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm…

Hội nghị định hướng tuyên truyền

Từ đặc điểm địa chính trị trên, tỉnh đã không ngừng đổi mới phương thức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao tính chủ động, nhạy bén, sáng tạo, sâu sát thực tế, không né tránh vấn đề mới, khó trong đời sống chính trị, xã hội. Sự chủ động linh hoạt, sáng tạo trên mặt trận thông tin, tuyên truyền thể hiện ngày càng rõ nét trong tất cả các khâu từ chỉ đạo định hướng tuyên truyền đến tổ chức thực hiện; các kế hoạch, chương trình tuyên truyền luôn được xây dựng sớm theo lộ trình cụ thể của cả nhiệm kỳ và từng năm.

Bên cạnh đó, việc chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền luôn được xây dựng phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là đối với sự kiện, những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương. Đối với các sự kiện có nguy cơ tạo điểm nóng và bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động, xuyên tạc, tỉnh luôn chủ động xây dựng các phương án chỉ đạo tuyên truyền đột xuất để đảm bảo tính kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền các cấp ngăn chặn, giải quyết, xử lý sớm và có hiệu quả các vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý, điều hành.

Theo đó, phương thức tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Tuyên truyền miệng, tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền qua các kênh báo chí, truyền thông và mạng xã hội; tuyên truyền qua hoạt động văn hóa, văn nghệ;…. Trong đó, tỉnh đã vận dụng và thực hiện rất hiệu quả công tác tuyên truyền qua các kênh báo chí, truyền thông – một kênh thông tin được người dân lựa chọn tiếp thu thông tin nhiều nhất. Đồng thời, thường xuyên mời các chuyên gia tổ chức các hội nghị thông tin những vấn đề thời sự, những vấn đề liên quan thiết thực đến cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, như: "Hội nghị thông tin, tuyên truyền bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay"; "Hội nghị cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe nhân dân về bệnh đột quỵ"; "Hội nghị thông tin tình hình thế giới, khu vực thời gian gần đây"…

Hội nghị báo cáo viên

Nhằm thống nhất chặt chẽ trong ứng xử với truyền thông trên địa bàn tỉnh, cũng như kịp thời phản bác các thông tin sai sự thật, định hướng báo chí, dư luận trước những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh, Tỉnh ủy An Giang đã chủ động ban hành Quy định 887-QĐ/TU về quy trình ứng xử với truyền thông trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, việc triển khai thực hiện quy định này đã đạt được những kết quả nhất định, lãnh đạo ngành, địa phương thời gian gần đây đã có sự quan tâm trong việc phát ngôn cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, điển hình như: Giám  đốc Sở Y Tế  trả lời báo chí về thông tin phản ánh 7 đơn vị trực thuộc chi sai hơn nửa tỷ đồng kinh phí phòng dịch là không đúng sự thật  hay Giám đốc Công an tỉnh  thông tin liên quan vụ 40 người nhập cảnh trái phép qua biên giới An Giang… Qua đó, đáp ứng nhu cầu được tiếp nhận thông tin chính thống của người dân, việc này tránh trường hợp người dân tiếp nhận thông tin nhiều chiều chưa đúng sự thật gây hoang mang trong dư luận.

Hội nghị thông tin thời sự cho các bộ chủ chốt

Ngoài ra, tỉnh cũng thường xuyên tham vấn, xin ý kiến chuyên gia trên tất cả các lĩnh vực để chỉ đạo, tổ chức công tác thông tin tuyên truyền khoa học, sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời chủ động nắm chắc và dự báo tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền kịp thời những vấn đề có tính chất phức tạp, nhạy cảm, mà đông ý đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.

Bên cạnh những vấn đề dư luận quan tâm, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức cán bộ, về các hoạt động của cấp ủy trong công tác lãnh, chỉ đạo điều hành, những văn bản chỉ đạo điều hành về công tác xây dựng Đảng đều được đẩy mạnh tuyên truyền. Những nội dung tuyên truyền chuyên sâu về xây dựng Đảng thật sự là cầu nối để Đảng gần dân, để người dân hiểu rõ mục đích của Đảng không gì khác hơn là mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, là việc không chỉ của đảng viên mà còn là việc của mọi người người dân góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày trong sạch vững mạnh.

Tại các cuộc họp thường kỳ của Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang luôn nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền xây dựng Đảng và cho rằng, việc kết nối, đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động của Đảng bộ, hoạt động của cấp ủy các cấp không phải để quảng cáo cho bất kỳ đơn vị, địa phương hay cá nhân nào, mà để mang Đảng đến gần dân hơn, để người dân của tỉnh hiểu việc của Đảng không gì khác hơn là mang lại cuộc sống ấm no cho người dân”.

Bà Trần Thị Diêu, ngụ  phường Bình Khánh (TP. Long Xuyên) khi được hỏi về sự hiểu biết về hoạt động của Đảng đã cho biết: “Gần đây đã dần hiểu rõ hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua hình ảnh của Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi các gia đình bị hỏa hoạn, khảo sát tuyến tránh TP. Long Xuyên, rồi hình ảnh lãnh đạo kiểm tra công tác phòng, chống dịch, các cuộc họp… Từ đây, người dân cảm thấy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”.

Công tác tuyên truyền của Đảng ngày càng chú trọng "Hướng mạnh về cơ sở", "Chủ động, nhạy bén, kịp thời, hiệu quả" theo phương châm: "Nắm chắc ý Ðảng, hiểu rõ ý dân, thông tin thiết thực, tuyên truyền hiệu quả". Ðặc biệt, công tác thông tin tuyên truyền thời gian qua đã chú trọng tính đối thoại để khắc phục cách làm áp đặt, thông tin tuyên truyền một chiều, làm giảm niềm tin trong một bộ phận cán bộ và nhân dân, lấy cơ sở lý luận và thực tiễn để tăng tính thuyết phục của công tác tuyên truyền, trong các hội nghị tập huấn tuyên truyền, báo cáo viên dành thời gian cuối buổi để trao đổi, tiếp thu ý kiến từ đại biểu, đồng thời, thường xuyên thực hiện việc lấy ý kiến khảo sát về hiệu quả, phương thức tuyên truyền, mọi phương thức tuyên truyền đều hướng đến người dân, để thực hiện phương pháp, nội dung tuyên truyền phù hợp nhất đến từng người dân, đến từng đối tượng được tiếp cận thông tin tuyên truyền. Tỉnh cũng phát huy cao nhất vai trò của người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng để phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo. Qua đó, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Ông Aly, Trưởng Ban Giáo cả, Ban Quản trị Thánh đường Chăm xã Khánh Bình tích cực vận động bà con giáo dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm

Với phương châm "Lấy cái đẹp dẹp cái xấu", bên cạnh định hướng tuyên truyền các nội dung mang tính chính trị, thời sự, tỉnh tăng cường giới thiệu những điển hình trong học tập và làm theo Bác, gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả từ các địa phương, đơn vị trong tỉnh cho các cơ quan báo chí của Trung ương và của tỉnh tuyên truyền (mỗi năm gần 150 điển hình)…, đã góp phần lan tỏa cái hay, cái đẹp trong cuộc sống nhân lên sức mạnh đoàn kết trong việc cùng chung tay phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và lan tỏa sâu rộng hình ảnh quê hương, con người An Giang trong phạm vi khu vực và trên phạm vi cả nước.

Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân có ý thức bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng được thực hiện quyết liệt thông qua báo chí, mạng xã hội. Đặc biệt, các nhóm "Dân An Giang", "Quê hương An Giang", "An Giang ngày mới" của tỉnh đã thực sự phát huy hiệu quả (hàng năm chia sẻ, lan tỏa gần 5.000 tin tức, hình ảnh, bài viết với gần 30.000 lượt xem). Việc này đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng, góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, hầu hết cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đều có nhận thức đúng đắn, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, trận địa tư tưởng được giữ vững.

Có thể nói công tác tư tưởng mà trọng yếu là công tác tuyên truyền của tỉnh thời gian qua thật sự là "cầu nối" giữa Đảng và dân, mỗi phương thức, nội dung tuyên truyền đều hướng đến tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng". Đứng vững trên nền tảng thực tiễn, hướng mạnh về cơ sở, gieo niềm tin trong nhân dân.

Kỳ II: Vun trồng niềm tin trong nhân dân

NGỌC HÂN