Sườn đồi cháy xém sau vụ cháy rừng Glass ở gần Angwin, California (Mỹ) ngày 30-8-2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Từ năm 2001-2018, những đám cháy đã thiêu trụi trung bình 13.500 km2 rừng/năm ở miền Tây nước Mỹ, gấp đôi mức tàn phá được ghi nhận trong khoảng từ năm 1984-2000.
Trưởng nhóm nghiên cứu, chuyên gia khí tượng học tại Đại học California (UCLA), bà Rong Fu cho biết hiện tượng cháy rừng đang xảy ra nhanh hơn dự báo. Để hiểu được những yếu tố khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn trong thời gian ngắn, nhóm nghiên cứu đã phân tích nhiều yếu tố của "thiếu hụt áp suất hơi" (VPD) giúp chỉ ra mức độ khô của không khí. VPD là sự chênh lệch giữa lượng ẩm thực tế trong không khí và lượng ẩm mà không khí có thể tích trữ nhiều nhất. Mức chênh lệch càng lớn đồng nghĩa với càng nhiều nước được không khí hút vào, khiến đất và thực vật bị khô, dẫn đến tình trạng dễ bắt cháy.
Các nhà khoa học đã xác định rằng gia tăng nạn cháy rừng ở miền Tây nước Mỹ phần lớn là do mức chênh lệch này vào mùa ấm. Theo nghiên cứu, từ tháng 5 đến tháng 9, số ngày ghi nhận mức VPD cao đã tăng 94% trong khoảng thời gian từ năm 2001-2008 so với những giai đoạn trước đó.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, sự thay đổi tự nhiên của bầu khí quyển "tự nhiên" chỉ tác động đến 32% mức tăng VPD, trong khi 68% còn lại là do hiện tượng ấm lên toàn cầu diễn ra trong 20 năm qua, chủ yếu do các hoạt động của con người.
Bà Rong Fu cũng cho biết: "Trước năm 2000, chúng ta có thể giải thích hiện tượng cháy rừng dựa vào thời tiết, nhưng giờ yếu tố này chỉ có thể giải thích được 30% số vụ cháy rừng mà chúng ta chứng kiến".
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra một số mô hình cho thấy tình trạng nóng lên toàn cầu do các hoạt động của con người có thể giải thích được 88% số trường hợp mà mức VPD trở nên bất thường. Sự ấm lên do tác nhân con người đã góp 50% cho mức VPD cao "chưa từng có", dẫn đến vụ cháy rừng tàn khốc có tên August Complex xảy ra vào tháng 8/2020 tại California. Đây được coi là trận hỏa hoạn lớn nhất từng ghi nhận tại khu vực này với gần 4.200 km2 diện tích rừng bị thiêu rụi.
Theo các chuyên gia về khí hậu, Trái Đất đã ấm lên khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp do lượng khí nhà kính thải từ hoạt động của con người. Trong thập kỷ qua, biến đổi khí hậu liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã khiến miền Tây nước Mỹ càng trở nên khô hơn và nóng hơn trong thời gian dài hơn, tạo điều kiện cho các đám cháy rừng bùng phát dữ dội hơn.
Theo HOÀNG CHÂU (Báo Tin Tức)