Giới khoa học ước tính số người chết vì đợt nắng nóng vừa qua ở châu Âu

09/07/2025 - 19:20


Khoảng 2.300 người đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến nắng nóng tại 12 thành phố châu Âu trong đợt nắng nóng nghiêm trọng vừa kết thúc tuần trước.

Chú thích ảnh

Người dân xếp hàng tại một điểm tiếp nước tự động. Ảnh: Dương Hoa/PV TTXVN tại Italy

Theo hãng tin Reuters, con số trên được đưa ra trong một phân tích khoa học nhanh được công bố ngày 9/7.

Nghiên cứu này tập trung vào 10 ngày kết thúc vào ngày 2/7, thời điểm phần lớn Tây Âu chìm trong nắng nóng cực đoan, nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C tại Tây Ban Nha và cháy rừng bùng phát ở Pháp.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia Anh và Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, trong số 2.300 người được ước tính đã tử vong trong khoảng thời gian này, có 1.500 ca tử vong có liên quan đến biến đổi khí hậu vốn là yếu tố khiến đợt nắng nóng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông Ben Clarke, nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia Anh, nói: “Biến đổi khí hậu đã khiến thời tiết nóng hơn đáng kể so với bình thường và điều đó đồng nghĩa với việc mức độ nguy hiểm cũng tăng lên rất nhiều”.

Nghiên cứu tập trung vào 12 thành phố như Barcelona, Madrid, London và Milan, nơi các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ trong đợt nắng nóng tăng thêm tới 4 độ C.

Các nhà nghiên cứu sử dụng mô hình dịch tễ học và dữ liệu tử vong trước đây để ước tính tổng số người chết. Các mô hình và dữ liệu này phản ánh các trường hợp tử vong mà nguyên nhân gốc rễ là do nắng nóng, bao gồm cả những trường hợp tình trạng sức khỏe sẵn có trở nên trầm trọng hơn do tiếp xúc với nhiệt độ cao.

Các nhà khoa học sử dụng các phương pháp đã được bình duyệt để nhanh chóng đưa ra con số ước tính trên, do phần lớn các ca tử vong liên quan đến nắng nóng không được báo cáo chính thức và một số chính phủ không công bố dữ liệu này.

Theo bản tin hàng tháng công bố ngày 9/7 của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, tháng trước là tháng 6 nóng thứ ba từng được ghi nhận trên toàn cầu, chỉ sau tháng 6/2024 và tháng 6/2023.

Tây Âu đã trải qua tháng 6 nóng nhất từng ghi nhận khi phần lớn khu vực phải chịu tình trạng "căng thẳng nhiệt rất nghiêm trọng". Đây là điều kiện thời tiết khiến người dân cảm thấy như đang ở trong nhiệt độ từ 38 độ C trở lên.

Bà Samantha Burgess, trưởng bộ phận chiến lược về khí hậu của Copernicus, nói: “Trong một thế giới đang ấm lên, các đợt nắng nóng sẽ có khả năng xảy ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn và ảnh hưởng đến nhiều người hơn trên khắp châu Âu”.

Theo nghiên cứu mới được công bố, các nhà nghiên cứu tại các viện y tế châu Âu cho biết trong năm 2022, có tới 61.000 người có thể đã thiệt mạng trong các đợt nắng nóng gay gắt ở châu Âu, cho thấy các nỗ lực chuẩn bị ứng phó với nắng nóng của các quốc gia đang thất bại và gây chết người.

Tình trạng tích tụ khí nhà kính trong khí quyển mà phần lớn phát thải từ đốt nhiên liệu hóa thạch đã khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng theo thời gian. Mức tăng nhiệt độ nền này có nghĩa là khi xảy ra đợt nắng nóng, nhiệt độ có thể vọt lên mức cao hơn nữa.

Theo TTXVN