Ghi nhận từ một ngôi trường cấp II vùng biên (Trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên) để xem mức độ sử dụng MXH của các em học sinh (HS) trong nhà trường như thế nào, chúng tôi ngạc nhiên khi được thầy Phan Thanh Liêm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Những năm gần đây, đa số các em đều sử dụng điện thoại, hầu hết là điện thoại thông minh. Chính vì vậy, các em đã tham gia MXH từ rất sớm. Do vậy không đơn thuần là chuyện học đường mà còn đầy ắp những chuyện phức tạp, rắc rối từ MXH.
Thấy được những hệ lụy đó, những năm gần đây, chúng tôi đã quy định không cho HS mang điện thoại vào lớp học, nếu có việc cần liên lạc với gia đình thì dùng điện thoại của nhà trường. Tuy nhiên, sau giờ học các em vẫn “ăn, ngủ trên Facebook, Zalo” đều đặn. Trăn trở vấn đề này, cuối cùng chúng tôi đã liên lạc với đơn vị chuyên môn, tổ chức buổi chia sẻ, hướng dẫn các em cách sử dụng MXH một cách văn hóa và hiệu quả hơn”.
Hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội.
Đó là chiến dịch “Suy nghĩ trước khi chia sẻ”. Được sự tài trợ từ Facebook, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) đã hợp tác với Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) trực thuộc Hội Khuyến học Việt Nam triển khai tại Việt Nam nhằm tăng cường tri thức số cho các bạn trẻ và thanh, thiếu niên ở Việt Nam, đặc biệt là hướng dẫn cách sử dụng MXH thông minh và an toàn. Chương trình dành cho 30.000 thanh, thiếu niên từ 13-18 tuổi tại 30-50 trường học trên toàn quốc.
Tại Trường THCS Lê Hồng Phong, lần đầu tiên gần 500 em HS đã được các chuyên gia từ 2 đơn vị MSD và CED chia sẻ kỹ năng sử dụng MXH trong thời gian 75 phút, với nhiều nội dung phong phú được lồng ghép vào các hình thức chia sẻ, trò chơi, sắm vai, hỏi đáp, đố vui, tặng quà… Đó là sự phân tích, nhìn nhận của chuyên gia về lợi ích của MXH, làm cho các em gắn kết với nhau hơn sau giờ học, có thể mời bạn bè cùng chơi games, trao đổi thông tin, gửi những lời chúc sinh nhật, các dịp lễ, Tết nhanh chóng hơn, bán hàng online bằng hình thức Livestream rất hiệu quả.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, do là môi trường trên mạng nên chúng ta không nhìn thấy mặt nhau để nói chuyện trực tiếp, liệu chúng ta sẽ có những cách nhìn khác nhau về cùng một vấn đề, dẫn đến sai lệch thông tin, gây những hiểu nhầm không đáng có và thường dẫn đến hẹn nhau nói chuyện cho “ra ngô, ra khoai”, nói không được thì giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, dằn mặt nhau giữa các băng nhóm.
Hơn nữa, việc cài đặt quyền riêng tư khi đăng tải những thông tin cá nhân trên MXH nếu không được chú trọng sẽ dẫn đến những rủi ro sai lệch thông tin, bị đánh cắp và sửa chữa thông tin gây ảnh hưởng đến hình ảnh, phẩm chất và đạo đức của cá nhân, ảnh hưởng đến cơ hội tìm kiếm việc làm trong tương lai khi nhà tuyển dụng đánh giá cá nhân qua lịch sử tham gia MXH.
Hơn nữa, với "like" không suy nghĩ cẩn trọng, dễ dàng cổ động cho những việc làm, hình ảnh, clip có nội dung xấu, thông tin sai lệch trái với thuần phong mỹ tục, phong tục tập quán tốt đẹp. Việc "share" những nội dung chưa được kiểm chứng góp phần hình thành nên các phong trào "ném đá", phủ nhận những giá trị tích cực trong XH.
Đặc biệt, với độ tuổi đang lớn các em nên cẩn trọng khi đăng tải thông tin cá nhân, nhất là đối với các bạn nữ vì dễ bị rò rỉ thông tin, dẫn đến bị các thành phần xấu lợi dụng.
Do vậy, việc sử dụng MXH là hữu ích nhưng các bạn trẻ cần ý thức về khả năng kết nối với cộng đồng, cẩn trọng hơn với thông tin đăng tải vì góc nhìn của mọi người luôn đa dạng, cần cài đặt quyền riêng tư cho tài khoản, biết suy nghĩ trước khi chia sẻ thông tin của bản thân, biết sử dụng tư duy phản biện, cảm thông khi chia sẻ thông tin của người khác và cần suy nghĩ trước khi nhấn nút "like" hoặc "share" để tạo nên sự khác biệt, phong cách cá nhân, văn hóa ứng xử khi sử dụng MXH.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG