Chị Phương Nguyễn cùng chồng và 2 con định cư ở Portland, bang Oregon (Mỹ) từ năm 1995. Nhưng với chị, quê hương Việt Nam luôn trong trái tim và trong mọi nét sinh hoạt của gia đình chị. Từ cách ăn đến cách mặc, từ ngôn ngữ đến nền nếp gia đình đều duy trì y như khi còn ở Việt Nam. Một trong những “gia sản” mà chị mang theo từ khi đến Mỹ là “bộ sưu tập” áo dài mà chị thường mặc khi còn ở Việt Nam. “Tà áo dài gợi lại biết bao hình ảnh đẹp của quê hương, mang cốt cách của cả dân tộc”, chị Phương Nguyễn nói. Cuộc sống tất bật ở Mỹ đôi khi làm cho người ta quên đi việc duy trì phong tục tập quán tốt đẹp của người Việt Nam, trong đó có chiếc áo dài. Chị cho biết, hồi mới định cư ở Mỹ, chị rất muốn mặc áo dài đi làm nhưng công việc không cho phép, nên chị chỉ mặc mỗi tuần 1- 2 lần vào 2 ngày cuối tuần và chị duy trì thói quen này cho đến ngày nay.
Theo chị, ở Mỹ, ít ai có thể duy trì thói quen mặc áo dài như khi còn ở Việt Nam và chị là một trong số ít đó. Có rất nhiều nguyên nhân như do công việc, do khí hậu lạnh, do chi phí may áo dài đắt đỏ… Riêng chi phí may áo dài tại Mỹ, theo chị, thấp nhất cũng từ 100-300 USD/bộ. Ở một số tiểu bang có đông đúc cộng đồng người Việt sinh sống như California, Texas, Washington, Virginia,… việc may một chiếc áo dài có thể dễ dàng hơn so với một số bang khác, nơi có ít cộng đồng người Việt sinh sống. Vì thế đa phần người Việt thường mang áo dài từ Việt Nam sang do giá rẻ và may đúng ý hơn. Đặc biệt, khi vào mùa cưới của người Việt, các cô dâu Việt còn phải chuẩn bị cho mình chiếc áo dài truyền thống để làm lễ vu quy thì buộc phải đặt may ở các tiệm may chuyên nghiệp, những nơi có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống hoặc đặt may từ Việt Nam.
Một cuộc thi áo dài tại Mỹ
Theo chị Phương Nguyễn, dù cho giá cả hơi đắt nhưng chị vẫn thường xuyên bổ sung những chiếc áo dài mà chị thích vào bộ sưu tập áo dài của mình. Chính vì vậy, mỗi lần về quê hương, chị không bao giờ quên may áo dài mang sang Mỹ. Chị còn khuyên con gái nên mặc áo dài trong các dịp lễ, tết. Đặc biệt trong những ngày tết, chị và chồng, con trai, con gái, dâu, rể, cháu nội, ngoại đều “đóng bộ” áo dài trong giờ phút giao thừa thiêng liêng và sau đó cùng nhau đi lễ. Riêng chị, không đợi đến tết mà mỗi chủ nhật đi lễ nhà thờ hay cưới, hỏi, liên hoan, sinh nhật chị vẫn thường mặc áo dài. Các tổ chức cộng đồng người Việt ở bang Oregon hay bất cứ bang nào có đông người Việt hàng năm đều có cuộc thi Hoa hậu Áo dài dành cho nhiều độ tuổi khác nhau với mục đích chung là tôn vinh tà áo dài Việt Nam.
Theo chị Phương Nguyễn, chiếc áo dài Việt Nam không những được duy trì và gìn giữ trên xứ người mà ngày càng khẳng định chỗ đứng trong văn hóa Mỹ. Khi các thế hệ người Việt đầu tiên đến Mỹ, người Mỹ thấy tà áo dài Việt Nam rất lạ. Nhưng giờ đây, đa số người Mỹ đều hiểu rằng áo dài là của người Việt có nét đẹp riêng, một phần nhờ những người Việt nhập cư vào Mỹ và các sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ. Cũng không thể không nhắc tới đội ngũ thợ may áo dài, những người thầm lặng góp phần gìn giữ áo dài Việt trên đất Mỹ để chiếc áo dài ngày càng phổ biến nơi xứ xa.
Theo HƯƠNG NGUYỄN (Sài Gòn Giải Phóng)