Anh Dương Thanh Hùng đang dạy con, cháu của mình cách chia gạo
Để chuẩn bị cho nồi bánh tét, từ nhiều ngày trước bà Nguyễn Thị Thành (Di Linh, Lâm Đồng) đi chợ chọn mua từng hạt nếp sao cho căng tròn, đậu xanh thì ánh vàng với tàu lá chuối, lá dong xanh mướt...
28 tết, bà Thành dậy thật sớm, lau từng cọng lá, chuẩn bị các nguyên liệu. Tay thoăn thoắt lau lá, bà Thành tâm sự: "Cháu nội ở Sài Gòn, chả mấy khi có dịp biết những tục lệ truyền thống. Nên dù mệt tôi vẫn cố gắng gói vài đòn bánh tét để cho các cháu hiểu và cũng là dịp gia đình quây quần, sum họp”.
Bên những nguyên liệu, bà Thành chỉ dạy con trai là anh Dương Thanh Hùng liều lượng để bánh mềm với nếp, thơm với đậu và ngọt từ thịt. Đặc biệt công đoạn cột bánh xiết nạt thật đều tay cho bánh tròn, đẹp.
Ngồi cạnh nghe bà nội chỉ dạy bố, bé Dương Phan Việt Trang, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Di Linh, Lâm Đồng) tỏ ra thích thú: “Con chưa thể gói được nhưng con cũng hiểu làm thế nào để bánh vừa ngon vừa đẹp. Nhưng con vui nhất là ngày tết, các cô các chú ở Sài Gòn về, mấy chị em chúng con được gặp và chơi với nhau”.
Bà Nguyễn Thị Thành hướng dẫn các cháu gói bánh
Hào hứng hơn cả là bé Dương Nguyễn Khôi Nhi, học sinh lớp 3, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM): “Năm ngoái về ăn tết ở quê ngoại ngoài Hải Dương, con được bác hướng dẫn gói bánh chưng. Năm nay ở quê nội, bà với bác lại dạy con gói bánh tét. Vậy là con biết đặc trưng của 2 quê. Mấy hôm nữa đến trường con sẽ kể cho các bạn nghe vì lớp con có nhiều bạn ăn tết ở thành phố, không có dịp biết”.
Gói bánh tét không chỉ là nét đẹp văn hóa mà đó còn là sự truyền nối, giữ gìn nếp nhà của gia đình 3 thế hệ này. Bà Nguyễn Thị Thành vừa hướng dẫn con cháu, vừa không quên gửi gắm: “Để có một chiếc bánh ngon, cần có sự gắn kết, hòa quyện của các nguyên liệu và tình cảm của người gói. Với mỗi gia đình cũng vậy, các thành viên phải biết yêu thương nhau, gần gũi và hòa thuận. Đó mới là giá trị văn hóa được gửi gắm qua ngày tết”.
Theo BẢO CHÂU (Thanh Niên)