Linh hoạt bài giảng
Theo các chuyên gia, dạy học trong bối cảnh dịch COVID-19 có 4 hình thức: Dạy học trực tuyến có sự tương tác trực tiếp thông qua nền tảng Zoom, Teams, Google Meeting… hoặc dạy học trực tuyến thông qua hệ thống quản lý học tập LMS; dạy học qua truyền hình; dạy học qua sóng radio; gửi phiếu bài tập, tài liệu in tới cha mẹ học sinh qua email hoặc đường bưu điện, kết hợp với các phương thức hỗ trợ trực tuyến khác.
Việc học từ xa đòi hỏi giáo viên cần phải thực sự là bạn cùng chơi, bạn cùng học với học sinh. Ảnh: HM.
Học online, qua truyền hình vẫn là phương án được nhiều địa phương áp dụng. Tuy nhiên, việc triển khai sẽ không đồng đều do những tác động khách quan như: Sóng, máy tính, sự hỗ trợ của gia đình. Theo các chuyên gia giáo dục, mấu chốt vẫn là sự hướng dẫn của ngành Giáo dục, cùng với sự linh hoạt của giáo viên.
Mới đây, trong chia sẻ về nghiệp vụ sư phạm khi dạy online ở bậc tiểu học, PGS TS Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đặc biệt lưu ý các nhà trường và giáo viên về các kịch bản dạy học, việc thiết kế bài giảng và tổ chức lớp học cần linh hoạt, không để học sinh quá tải về kiến thức và thời gian, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và sự phát triển tự nhiên của trẻ.
Ngoài ra, việc quản lý chất lượng hệ thống bài giảng trực tuyến hay các hình thức đánh giá giờ dạy của giáo viên cần linh hoạt và có chính sách phù hợp. Giáo viên cần nắm vững kiến thức sư phạm như kỹ năng xây dựng bài giảng, tổ chức các nhiệm vụ học tập một cách đa dạng thông qua video clip, thẻ flashcard, trò chơi…
Giáo viên cũng cần tăng cường tổ chức các hoạt động trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau, giữa học sinh với giáo viên; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình.
Đối với phương án dạy học trên truyền hình, giáo viên cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị bộ tài liệu hướng dẫn, câu hỏi bài tập để hướng dẫn học sinh học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo nội dung bài học trên truyền hình.
TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra, phần lớn giáo viên hiện nay mới chỉ tập trung nỗ lực tương tác trong quá trình giờ học trực tuyến diễn ra, quên mất các khả năng hỗ trợ học sinh trước và sau giờ học, cũng như sự tham gia trợ giúp của cha mẹ học sinh.
Đồng ý với quan điểm giáo viên cần tổ chức hoạt động tương tác trong giờ học. TS. Tôn Quang Cường nhấn mạnh việc hình ảnh hóa, trực quan hóa tối đa mọi hoạt động học tập, nhằm tăng hiệu quả thu hút sự chú ý của học sinh. Khi thực hiện các hoạt động cần rõ ràng, rành mạch, không hối thúc học sinh, đảm bảo học sinh xem, nghe và cùng làm theo yêu cầu của giáo viên; gọi tên học sinh rõ ràng, thường xuyên có sự khen ngợi, biểu dương, nói lời tích cực với học sinh. Người giáo viên cần phải thực sự là bạn cùng chơi, bạn cùng học trong mọi hoạt động của trẻ.
Ngành giáo dục sẽ có kịch bản dạy học từng tháng, từng vùng
Triển khai việc dạy học ứng phó với tình hình dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng, đảm bảo chất lượng để tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh học tập phù hợp với kế hoạch dạy học của địa phương.
Riêng về dạy học trên truyền hình, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) sản xuất bài giảng truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1, lớp 2, vốn đang gặp nhiều khó khăn trong học tập trực tuyến. Đối với lớp 1, lớp 2, việc dạy học qua truyền hình hiện được thực hiện với 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, từng tỉnh thành cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế theo từng thời điểm, từng vùng. Theo đó, xây dựng phương án, kịch bản tổ chức dạy học không chỉ tính bằng năm mà theo học kỳ, thậm chí là từng tháng. Tuỳ điều kiện thực tế diễn biến dịch, các địa phương/địa bàn cần linh hoạt áp dụng phương thức dạy hoc trực tiếp, trực tuyến và dạy học qua truyền hình. Trong đó, với những vùng học sinh không thể tới trường, ưu tiên dạy học trên truyền hình với lớp 1, lớp 2; học sinh lớp 3 đến lớp 12 sẽ chủ đạo là học trực tuyến và bổ trợ là học trên truyền hình.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn thực hiện chương trình ứng phó với dịch COVID-19. Đây là chương trình dùng chung trên cả nước, không phải chỉ dành cho nơi có dịch, nên các nhà trường cần triển khai thực hiện. Những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm không được tổ chức kiểm tra, đánh giá định kì. Những nội dung này cũng sẽ không có trong bài thi tốt nghiệp THPT.
Về cơ chế kiểm tra chất lượng dạy học trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các Sở GD&ĐT có kế hoạch ôn tập hiệu quả cho học sinh khi các em quay trở lại trường. Việc tạo thuận lợi để học sinh được học tập tại địa phương và giảm tối đa ảnh hưởng đến tâm lý học trò.
Theo LÊ VÂN (Báo Tin Tức)