Gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu

07/04/2023 - 08:00

Tình hình lạm phát tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đang tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Không những vậy, dự báo tình hình thế giới thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần tập trung đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, ngành hàng xuất khẩu để giảm bớt phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyền thống và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Công nhân Công ty Cổ phần Nông nghiệp RYB (Hòa Bình) đóng gói bưởi Diễn trước khi chuyển lên xe xuất khẩu sang Anh. (Ảnh: Trần Hảo) Công nhân Công ty Cổ phần Nông nghiệp RYB (Hòa Bình) đóng gói bưởi Diễn trước khi chuyển lên xe xuất khẩu sang Anh. (Ảnh: Trần Hảo)

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung quý I năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 19,26 tỷ USD, giảm 17,4%, chiếm 24,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10%, chiếm 75,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Khó khăn ở hầu hết các thị trường

Xuất khẩu thủy sản quý I của Việt Nam ước đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so cùng kỳ. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân là do thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ, nhập khẩu cũng như giá nhập khẩu giảm theo. Bên cạnh đó, một số mặt hàng như tôm đang phải chịu cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia.

Là một trong bốn mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 5 tỷ USD trong quý I, tăng trưởng xuất khẩu của dệt may cũng giảm tới 17,4% so cùng kỳ, là mức giảm sâu nhất của quý I xét trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay.

Là một trong bốn mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 5 tỷ USD trong quý I, tăng trưởng xuất khẩu của dệt may cũng giảm tới 17,4% so cùng kỳ, là mức giảm sâu nhất của quý I xét trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay.

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, nhu cầu hàng dệt may năm 2023 vốn đã bị thu hẹp bởi tác động của lạm phát, dịch bệnh, căng thẳng xung đột giữa Nga-Ukraine, nay càng sụt giảm hơn trước những lo ngại về bất ổn của thị trường tài chính, khủng hoảng ngân hàng. Lượng hàng xuất khẩu của May 10 trong quý I đã giảm khoảng 10% so cùng kỳ, còn quý II, quý III tới dù là cao điểm, nhưng năm nay có vẻ không mấy khả quan. Tính đến nay, lượng hàng quý II của đơn vị ước tính giảm 20-30%, còn đơn đặt hàng cho quý III vẫn chưa nhận được thông tin nào từ khách hàng.

Ngoài dệt may, ba mặt hàng khác đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 5 tỷ USD cũng có mức giảm tương đối sâu. Cụ thể, nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch khoảng 13 tỷ USD, giảm 15%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,813 tỷ USD, giảm 10,9% và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 9,781 tỷ USD, giảm 3,7% so cùng kỳ.

Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải chia sẻ, tình hình ảm đạm của hoạt động xuất khẩu đã có thể nhìn thấy từ cuối năm 2022, khi lạm phát tăng cao xảy ra ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, cùng lượng tồn kho các nước đã tích trữ trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sụt giảm. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ trong quý I giảm tới 10,1%; sang Trung Quốc giảm 14,6%; sang EU giảm 12,1%; sang Nhật Bản giảm 4,5% và sang Hàn Quốc giảm tới 21,6%;…

Năm 2023, xuất khẩu tiếp tục được xác định là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng khoảng 6%. Mặc dù, mục tiêu này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của năm 2022 (10,5%), song trong tình hình hiện nay rõ ràng vẫn là thách thức lớn bởi Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế toàn cầu. Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra, các bộ, ngành, địa phương và nhất là các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực và phối hợp tốt hơn nữa.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ trong quý I giảm tới 10,1%; sang Trung Quốc giảm 14,6%; sang EU giảm 12,1%; sang Nhật Bản giảm 4,5% và sang Hàn Quốc giảm tới 21,6%;…

Tận dụng mọi cơ hội

Theo Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải, trong nước vẫn duy trì tốt năng lực sản xuất và xuất khẩu, nhưng bối cảnh hiện nay có nhiều yếu tố khách quan từ thị trường quốc tế và cũng chưa dự đoán được đến thời điểm nào tình hình khó khăn này sẽ chấm dứt. Bộ Công thương đã và đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới thông qua các kênh bán hàng giao dịch điện tử. Đặc biệt, Bộ Công thương sẽ sớm tổ chức hội nghị làm việc với các hiệp hội, ngành hàng để rà soát các khó khăn, vướng mắc; qua đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú cho biết, trước tình hình đầy khó khăn hiện nay, Bộ Công thương đã thực hiện nhiều giải pháp như kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài; hỗ trợ thông tin ở từng thị trường xuất khẩu; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới;…

Trong đó, hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài là một trong những hoạt động được chú trọng thực hiện liên tục định kỳ hằng tháng, trở thành diễn đàn kết nối, cập nhật thông tin thị trường nước ngoài hữu ích, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu thiết thực đối với các cơ quan chính phủ, địa phương và doanh nghiệp trong nước.

Trong hội nghị giao ban tháng 3 vừa qua, Tham tán Thương mại tại Canada Trần Thu Quỳnh thông tin, trong bối cảnh thị trường thế giới tương đối ảm đạm, Canada vẫn là điểm sáng nhờ triển vọng thị trường khá khả quan. Theo số liệu sở tại, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn này vẫn tăng 20% so cùng kỳ, là nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong ASEAN sang Canada. Nhóm 10 mặt hàng chủ chốt của Việt Nam sang thị trường này vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao, trừ mặt hàng thủy sản giảm 26%.

Cục Xuất nhập khẩu cũng thông tin tích cực về việc Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ từ 1,2 triệu tấn lên 2,4 triệu tấn nhằm bảo đảm an ninh lương thực.

Ông Trần Thanh Hải chia sẻ, bản thân Indonesia cũng chưa thể tự đáp ứng lượng gạo dự trữ này, do vậy nhu cầu nhập khẩu là tất yếu, trong đó Việt Nam có nhiều thuận lợi để xuất khẩu gạo cho quốc gia này. Hai tháng qua, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia cũng đang tăng đột biến, đạt 146 nghìn tấn, tăng gấp 33 lần so cùng kỳ năm 2022.

Đây là tín hiệu khả quan cho ngành gạo có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, các thương nhân cần lưu ý sử dụng các công cụ cần thiết để giảm thiểu rủi ro về giá cũng như trong khâu thực hiện hợp đồng,…

Một mặt hàng khác cũng đang dần trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời gian qua là cà-phê, được gắn liền với xây dựng các thương hiệu Việt hoặc khu vực được chỉ dẫn địa lý rõ ràng như Buôn Mê Thuột, Gia Lai,…

Nhờ những hướng đi đa dạng, doanh nghiệp Việt cũng đang chiếm lĩnh thị phần tương đối tốt trong xuất khẩu cà-phê thô. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tiếp tục gia tăng đầu tư để sản xuất chế biến sâu, tiếp tục nâng cao giá trị hạt cà-phê Việt.

Theo Nhân Dân