Hiệu quả rõ nét
Theo các địa phương, tính đến tháng 5/2023, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.226 nhà nuôi chim yến (1.143 nhà nuôi chim yến được xây dựng trước khi Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND được ban hành). Trong 524 nhà nuôi chim yến không nằm trong vùng được phép nuôi chim yến, 4 nhà tại TP. Châu Đốc xây dựng sau khi Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND ban hành. Hiện nay, nhà nuôi chim yến ở xã Vĩnh Tế đã cam kết không lắp đặt thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến; 3 nhà yến ở phường Núi Sam bị UBND phường lập biên bản, yêu cầu hộ dân cam kết tháo dỡ thiết bị phát âm thanh.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Chi cục Thú y vùng VII lấy mẫu giám sát dịch bệnh tại 15 nhà nuôi chim yến của 3 công ty chế biến tổ yến xuất khẩu. Nhân viên chăn nuôi và thú y cấp xã tăng cường phối hợp UBND địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát nhà nuôi chim yến. Nếu phát hiện chim yến chết bất thường thì báo cáo về trên, để có hướng xử lý kịp thời; hướng dẫn chủ cơ sở chăn nuôi chim yến vệ sinh tiêu độc, khử trùng theo quy định; tuyên truyền, vận động chủ cơ sở khai báo kịp thời với cơ quan chuyên môn khi phát hiện chim yến chết bất thường.
“Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện đã có sự quan tâm, tập trung, triển khai nghiêm túc Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND, đặc biệt là trong công tác quản lý hoạt động chăn nuôi chim yến tại địa phương, đảm bảo nghị quyết đi vào đời sống. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động, thông tin, hướng dẫn người dân cũng được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, triển khai thực hiện tốt, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động chăn nuôi chim yến. Có thể khẳng định, Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND góp phần đảm bảo phát triển chăn nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, tập trung, sản xuất theo chuỗi liên kết, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi chim yến tới đời sống người dân ở khu vực đô thị, đông dân cư. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng liên quan áp dụng trong quản lý chim yến tại địa phương. Cùng với đó, tỉnh An Giang có điều kiện tự nhiên phù hợp cho chim yến phát triển. Vì thế, nghề nuôi chim yến đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Giám sát trực tiếp tại UBND huyện Thoại Sơn, An Phú, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhận thấy, công tác quản lý hoạt động nuôi chim yến đúng quy định. Công tác tuyên truyền, vận động, thông tin, hướng dẫn người dân được triển khai tốt. Ý thức chấp hành quy định pháp luật của hộ nuôi chim yến được nâng cao từng ngày.
Còn lúng túng trong quản lý
Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đều đang gặp khó khi chủ cơ sở chăn nuôi chim yến chủ yếu là người từ địa phương khác đến. Cán bộ quản lý địa phương liên lạc, thu thập thông tin của chủ cơ sở không hề dễ dàng. Quản lý chủ cơ sở đã khó, quản lý vật nuôi càng khó hơn. Chim yến là loài chim hoang dã, sống thành đàn lớn, bay lượn trên cao nên quá trình kiểm soát dịch bệnh gian nan hơn các loài gia cầm khác. Các nhà nuôi chim yến được xây dựng mang tính tự phát trong điều kiện chưa được nghiên cứu, điều tra và đánh giá về đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên và công nghệ. Đến giờ này, cơ quan chức năng chưa đánh giá được đúng mức tính hiệu quả trong việc phát triển nghề nuôi chim yến.
Mặt khác, các bộ, ngành Trung ương liên quan (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường) chưa ban hành bộ thủ tục hướng dẫn cấp phép xây dựng, đất đai, môi trường đối với nhà nuôi chim yến. Vì thế, UBND tỉnh cũng chưa có cơ sở ban hành quy định quản lý nuôi. “Huyện An Phú hiện có 38 nhà nuôi chim yến, trong đó 8 nhà nằm ở khu vực cấm nuôi, xây dựng trước khi Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND ban hành. Hy vọng, tỉnh sớm hướng dẫn cụ thể về thủ tục cấp phép xây dựng, hướng dẫn di dời 8 nhà nuôi chim yến” - Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Thị Phướng bày tỏ.
Việc cấp phép xây dựng nhà nuôi chim yến phải là đất nông nghiệp khác, nhưng trước khi ban hành Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND, các nhà nuôi chim yến đa phần được xây dựng trên đất ở, đất cây lâu năm, đất lúa; việc chuyển mục đích, tách thửa còn nhiều bất cập. Không ít người dân dùng tầng trệt làm nhà ở, tầng trên chuyển công năng nuôi chim yến. Quy hoạch vùng nuôi để di dời là chuyện rất khó, vì phải tùy thuộc vào vị trí, hướng di chuyển, ở và làm tổ của chim yến. Không phải di dời nơi nào cũng có thể nuôi được. Các nhà nuôi chim yến sau khi xây dựng xong, ít nhất 3 - 5 năm mới cho thu hoạch, sau 5 năm nữa mới hoàn được vốn. Thời gian càng lâu dài thì hiệu quả kinh tế càng nhiều. Việc di dời đối diện với phản ứng của chủ nhà nuôi chim yến, vì ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập họ. Trao đổi với đoàn giám sát, UBND huyện Thoại Sơn kiến nghị xem xét kéo dài thời gian di dời nhà nuôi chim yến trong vùng cấm nuôi đến năm 2030.
Để tháo gỡ phần nào khó khăn, UBND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương điều chỉnh Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND ở Khoản 3, Điều 1 về các khu vực không được nuôi chim yến đối với địa phương vừa được Quốc hội thông qua thành lập thị trấn, thị xã. Điều chỉnh Khoản 5, Điều 1 về quy định chuyển tiếp, bỏ cụm từ “… và ngừng hoạt động từ ngày 1/1/2025” theo hướng dẫn tại Công văn 347/CNGVN, ngày 16/5/2023 của Cục Chăn nuôi về thực hiện quản lý đối với nhà nuôi chim yến.
“Trước mắt, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định pháp luật về hoạt động nuôi chim yến đến người dân. Nâng cao công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và quản lý chăn nuôi, cấp phép xây dựng nhà nuôi chim yến, tránh tình trạng xây dựng không xin phép, tự ý cải tạo, cơi nới nhà riêng làm nơi dẫn dụ nuôi chim yến. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định quản lý nuôi chim yến; phối hợp sở, ngành liên quan hướng dẫn quản lý về xây dựng, đất đai, môi trường; thường xuyên hướng dẫn vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh tại hộ nuôi…” - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh An Giang Nguyễn Duy Toàn đề nghị.
AN KHANG