Google hợp tác với các cơ quan tình báo Mỹ

15/10/2019 - 14:49

Dont be evil' (Đừng trở nên ác độc) – đó là một nguyên tắc ứng xử mà nhà khổng lồ Google trên Internet vẫn quảng bá là đã tuân thủ trong suốt 18 năm qua.

Tuy nhiên đến năm 2018, phương châm trên của công ty này đã bị lặng lẽ gạt bỏ khỏi qui tắc đạo đức của các nhân viên. Trên thực tế trong suốt 21 năm kể từ khi thành lập, Google đã trở thành một trong những tập đoàn hùng mạnh và giàu có nhất thế giới nhờ việc theo dõi hàng tỉ người dùng.

Nhà báo điều tra Mỹ Yasha Levine sau khi nghiên cứu rất nhiều thông tin về sự hợp tác của Google với các cơ quan mật vụ đã đi đến kết luận, nhà khổng lồ về IT này trên thực tế khác xa với hình ảnh “một đối tác tốt bụng”, luôn mong muốn làm cho cuộc sống của nhân loại trở nên tốt đẹp hơn như họ vẫn quảng bá.

Theo Levine, Google trở nên hùng mạnh như hiện nay là nhờ những bản hợp đồng bí mật trị giá nhiều tỉ đôla với giới quân sự và mật vụ Mỹ - các công nghệ bản đồ số dành cho quân sự, hợp tác với Cơ quan an ninh quốc gia (NSA), chế tạo các robot quân sự, hợp tác cùng Lầu Năm Góc phóng vệ tinh gián điệp, giúp đỡ lật đổ các chế độ tại Trung Đông.

Cuốn sách nhan đề “Surveillance valley. Secret Military History of the Internet” của Levine giúp mọi người hiểu rõ được Google đã dùng Internet như một vũ khí để làm giàu như thế nào…

Khởi nguồn từ tham vọng

Rất nhanh chóng sau khi Sergey Brin và Larry Page khởi động dự án Google vào năm 1998, họ đã quyết định phải mở rộng sứ mạng mới của mình với những dự tính đầy tham vọng – không chỉ xây dựng một hệ thống tìm kiếm và kinh doanh quảng cáo trên mạng, mà Google cần phải trở thành một đế chế thông tin toàn cầu, giúp cho mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận và hưởng lợi. Tầm nhìn chiến lược này cũng được Lầu Năm Góc để ý tới.

Quân đội và tình báo là những đối tác béo bở mà Google mong muốn cung cấp dịch vụ.

Năm 2003, công ty Keyhole Incorporated tại San-Francisco đang trên bờ vực phá sản. Giám đốc điều hành của họ lúc đó là John Hanke là một người sinh trưởng tại Texas, từng có thời gian làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Myanmar.

Hanke từng kể với các phóng viên rằng, việc ông thành lập ra công ty là nhờ có sự khích lệ từ cuốn sách “Snow Crash” (Tuyết lở) của Neal Stephenson, một tiểu thuyết về đề tài khoa học đình đám, trong đó có nhân vật đã bẻ khóa được chương trình do “Tập đoàn tình báo trung ương” xây dựng nên. Chương trình có tên Planet Earth thực tế là một hình mẫu thực tế ảo, “có thể theo dõi được mọi thông tin truyền trên không gian – tất cả các loại bản đồ, dữ liệu về thời tiết, các dự án kiến trúc và dữ liệu giám sát từ vệ tinh…”.

Keyhole đã phát triển từ việc xây dựng các công nghệ trò chơi video, sau đó áp dụng trong thế giới thực – cụ thể là xây dựng một chương trình kết nối tất cả những hình ảnh từ vệ tinh và ảnh chụp hàng không, từ đó hình thành nên các kiểu mẫu 3 chiều liền mạch của toàn trái đất. Sản phẩm được đánh giá là một cuộc cách mạng thực sự, bất cứ một người dùng Internet nào cũng có thể “bay lượn” trên toàn thế giới trong không gian ảo.

Năm 1999, thời kỳ đỉnh điểm của trào lưu dot-com, CIA thành lập In-Q-Tel tại thung lũng Silicon, một quỹ đầu tư mạo hiểm cho các startup có thể đáp ứng được nhu cầu của họ. Keyhole khi đó được coi là một phát hiện lý tưởng của quỹ này.

Người ta không rõ CIA đã đầu tư vào Keyhole bao nhiêu. Chỉ biết thương vụ đầu tư được ký kết vào đầu năm 2003 với sự tham gia của Cơ quan tình báo địa không gian quốc gia (NGA), một tổ chức tình báo lớn với 14.500 nhân viên và ngân sách hàng năm khoảng 5 tỉ đôla, với nhiệm vụ xây dựng các báo cáo từ dữ liệu vệ tinh gửi cho CIA và Lầu Năm Góc.

CIA và NGA không chỉ đơn giản là các nhà đầu tư mà cũng là những khách hàng tham gia vào quá trình hoàn thiện các bản đồ ảo của Keyhole để phục vụ cho các nhu cầu của mình.

Chỉ vài tháng sau khi nhận được khoản tiền đầu tư của In-Q-Tel, phần mềm của Keyhole đã nhanh chóng được triển khai sử dụng để hỗ trợ quân đội Mỹ trong thời gian diễn ra chiến dịch “Tự do” nhằm lật đổ chế độ của Saddam Hussein tại Iraq. Các đại diện cơ quan tình báo và quân đội đã hết sức ấn tượng về sự hiệu quả của phần mềm bản đồ số do Keyhole cung cấp.

Thị trường màu mỡ của quân sự và tình báo

Không chỉ có giới quân sự, Keyhole cũng lọt vào mắt xanh của Sergey Brin. Nhân vật này đã hào hứng tới mức tự mình đòi đứng ra giới thiệu về Keyhole trước các nhà lãnh đạo của Google. Kết quả là sau khi chính thức gia nhập thị trường mở vào năm 2004, Brin và Page ngay lập tức mua lại Keyhole cùng với tất cả những khoản đầu tư từ CIA. Khi triển khai trên nền tảng Internet, Keyhole đã được đổi tên thành Google Earth.

John Hanke.

Việc mua Keyhole là một bước tiến quan trọng đối với Google: kể từ thời điểm đó, công ty không chỉ đơn thuần là một dự án thương mại trên Internet, mà bắt đầu liên kết chặt chẽ với chính phủ Mỹ.

Cùng với Keyhole, Google đã thừa hưởng được rất nhiều mối quan hệ trong lĩnh vực các đơn đặt hàng quân sự từ phía nhà lãnh đạo Rob Painter của In-Q-Tel – đặc biệt với các đơn vị tham gia những chiến dịch đặc biệt của Mỹ, CIA, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu như Raytheon, Northrop Grumman và Lockheed Martin. Dần dần, Google đã lặng lẽ chiếm được thị phần đáng kể trong thị trường đầy lợi nhuận về các đơn đặt hàng từ giới quân sự và tình báo.

Năm 2006, Google Federal dưới sự điều hành của Painter đã vội vàng thuê một loạt các cựu quan chức từ quân đội, không quân, CIA, Raytheon và Lockheed Martin vào các cương vị lãnh đạo và quản lý kinh doanh. Công ty còn lôi kéo được Vinton Cerf - cựu giám đốc Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Hoa Kỳ (DARPA), đồng thời còn được mệnh danh là một trong những cha đẻ của Internet – về làm phó chủ tịch, đóng vai trò làm chiếc cầu nối quan trọng với giới chức quân sự.

Năm 2007, Google cùng với Lockheed Martin xây dựng hệ thống trinh sát trực quan dùng cho NGA. Hệ thống này có mô tả đầy đủ các căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq, các khu vực chiếm cứ của các tay súng Sunni và Shiite, làm cơ sở quan trọng cho các hoạt động tác chiến của quân đội Mỹ tại đây.

Từ trước đó, Google cũng đã triển khai một loạt các dự án khác cho tình báo Mỹ. Chẳng hạn ngay từ năm 2003, họ đã nhận được từ NSA hơn 2 triệu đôla để xây dựng một công cụ quét và nhận dạng tài liệu bằng 24 ngôn ngữ khác nhau. Google không chỉ chuyển giao dự án, mà còn tiếp tục hỗ trợ về mặt kỹ thuật theo yêu cầu của NSA. Một hợp đồng tương tự cũng được ký kết với CIA vào năm 2004, khi cơ quan mật vụ này yêu cầu phải hiệu chỉnh trang tìm kiếm theo các mục đích của mình

Đến năm 2010, Google nhận được bản hợp đồng hậu hĩnh trị giá 27 triệu đôla để cung cấp cho NGA các “dịch vụ trực quan về địa không gian”, biến nhà khổng lồ này trên thực tế trở thành “cặp mắt trên Internet” của giới quân sự và tình báo Mỹ. Google luôn tìm cách che giấu các chi tiết và quy mô về những bản hợp đồng kiểu này. Trong các báo cáo hàng quý trước các nhà đầu tư, công ty luôn tìm cách gộp chung vào các khoản thu nhập khác.

Tuy nhiên, qua việc phân tích cơ sở dữ liệu của chính phủ Mỹ về các hợp đồng cấp liên bang và thông tin có được từ luật tự do thông tin trong các hợp đồng quân sự; có thể thấy Google đã bán rất nhiều sản phẩm như Google Search, Google Earth và Google Enterprise (hiện gọi là G Suite) cho hầu hết các cơ quan quân sự và tình báo hàng đầu: hải, lục, không quân, bảo vệ bờ biển, DARPA, NSA, Cục điều tra liên bang (FBI), Cục phòng chống ma túy (DEA), CIA, NGA và cả Bộ Ngoại giao…

Tầm quan trọng của Google đối với chính phủ Mỹ có thể minh chứng bằng một sự kiện. Sau vụ các hacker (nhiều khả năng từ Trung Quốc) xâm nhập được vào hệ thống của Google, hãng này đã ký một thỏa thuận bí mật với NSA, đồng ý cung cấp thông tin về dữ liệu truyền trên các mạng của mình để đổi lấy thông tin của NSA về các hacker nước ngoài – theo nhà báo Shane Harris trong cuốn sách “@War: The Rise of the Military-Internet Complex”.

Cũng cần nói thêm, không chỉ có Google, phần lớn các hãng dịch vụ trên Internet khác đều hợp tác với các cơ quan chính phủ Mỹ ở mức độ này hay mức độ khác. Như eBay hợp tác với Bộ Tư pháp trong cuộc chiến chống ma túy.

Amazon triển khai các dịch vụ tính toán và lưu trữ đám mây cho CIA (trị giá hợp đồng đầu tiên tới 600 triệu đôla), trước khi mở rộng danh sách đối tác với NSA và cả chục cơ quan tình báo khác. Facebook cũng không phải là một ngoại lệ khi lôi kéo một cựu lãnh đạo khác của DAPRA là Regina Dugan để điều hành bộ phận nghiên cứu bí mật Building 8: chuyên phát triển về trí tuệ nhân tạo cho đến các mạng Internet không dây dùng cho máy bay không người lái, các công nghệ thực tế ảo phục vụ cho Lầu Năm Góc…

Tay chơi hàng đầu

Tính bao quát trong các công nghệ của Google cho phép họ có được ưu thế đáng kể trong môi trường sinh thái Internet, cũng như trong lĩnh vực hợp tác đầy béo bở với các cơ quan nhà nước. Năm 2008, họ phối hợp cùng với NGA để phóng vệ tinh do thám tư nhân đầu tiên GeoEye-1.

Họ mua lại Boston Dynamics để nghiên cứu chế tạo các robot vận tải phục vụ cho mục đích quân sự, rồi lại bán ngay khi Lầu Năm Góc quyết định không đầu tư cho xu hướng này. Họ đầu tư 100 triệu đôla cho CrowdStrike, nhà thầu chính của giới tình báo và quân sự trong lĩnh vực an ninh mạng để điều tra khả năng phía Nga xâm nhập vào hệ thống mạng của đảng Dân chủ năm 2016.

Sergey Brin và Larry Page – những người đồng sáng lập ra Google. 

Ngoài ra, Google cũng đang điều hành một trung tâm phân tích thông tin hỗn hợp, sử dụng công nghệ Internet để giải quyết các vấn đề cơ bản của chính sách quốc tế, từ khủng bố cho tới kiểm duyệt hay vũ khí điều khiển học.

Công ty đứng ra tổ chức các cuộc thăm dò phục vụ chính phủ Mỹ nhằm giúp Somalia xây dựng hiến pháp mới, xây dựng công cụ theo dõi các thương vụ mua bán vũ khí trên toàn cầu, cũng như hợp tác với một công ty của Bộ Ngoại giao để giúp đỡ một số công dân tại Iran và Trung Quốc tránh được hệ thống kiểm duyệt Internet của chính quyền.

Google cũng tham gia xây dựng một nền tảng chống lại nguy cơ tuyển mộ khủng bố và truyền bá tư tưởng cực đoan trên mạng, tự động xác định những người dùng quan tâm tới chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, hướng họ tới các trang cảnh báo của Bộ Ngoại giao .

Vào năm 2012, trên cơ sở cuộc nội chiến tại Syria, công ty JigSaw của Google đã tìm kiếm mọi phương pháp để lật đổ chế độ của Bashar Assad, trong đó có việc tuyên truyền, cổ động cho lực lượng đối lập chống lại chính quyền trung ương Damascus.

“Google đảm bảo cho Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao sự hỗ trợ và che chở từ trên không. Trên thực tế, họ đang làm việc mà ngay cả CIA cũng không có khả năng” – nhận xét của Fred Burton, lãnh đạo nhà xuất bản Stratfor.

Google tuy nhiên đã công khai bác bỏ chỉ trích trên: “Chúng tôi không dính líu vào việc thay đổi chế độ - chủ tịch điều hành Eric Schmidt giải thích với phóng viên tạp chí Wired – Chúng tôi không làm những chuyện như vậy. Nhưng nếu như có thể, việc trang bị cho mọi người điện thoại thông minh và những thông tin có thể dẫn tới thay đổi chế độ theo hướng tốt đẹp hơn thì tại sao lại không?”.

Theo ANTG