Góp ý hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

10/10/2019 - 08:17

 - Thực hiện Công văn số 1447/TLĐ ngày 19-9-2019 của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về việc tham gia xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), LĐLĐ tỉnh phối hợp Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức hội nghị góp ý từ 200 đại biểu đại diện sở, ban, ngành, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động (NLĐ) tiêu biểu trong các công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp (DN).

Góp ý hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Đại biểu đã có ý kiến xoay quanh 7 vấn đề được Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất: thời giờ làm việc, thời gian nghỉ lễ cho NLĐ; tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; tiền lương; thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể; giải quyết tranh chấp lao động và đình công; lao động nữ và bình đẳng giới. Đa số ý kiến đều nhất trí tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Lao động, các văn bản pháp luật liên quan đáp ứng tình hình thực tế. Hội nghị đã ghi nhận 44 nội dung liên quan đến những vấn đề được chủ tọa gợi ý. Cụ thể, đồng ý với quan điểm giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần nhưng phải có lộ trình, do hiện nay phần lớn là những DN nhỏ và vừa, tình hình hoạt động gặp nhiều khó khăn. Việc này cần phân rõ khối lao động gián tiếp, khối lao động trực tiếp giúp NLĐ có nhiều thời gian nghỉ ngơi để tái tạo lại sức lao động. Về thời gian nghỉ lễ, Tết, đa số không đồng tình phương án tăng thêm 3 ngày nghỉ (từ 2-9 đến 5-9 để phụ huynh chuẩn bị cho con vào năm học mới) mà nên bố trí nghỉ vào ngày Gia đình Việt Nam (28-6), thêm ngày nghỉ Tết Dương lịch, âm lịch hoặc tăng 1 ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh.

Về tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, đại biểu đồng tình với Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục giữ quan điểm về những quy định mang tính nguyên tắc trong nội dung này. Việc có thêm 1 tổ chức khác đại diện NLĐ ngoài tổ chức công đoàn hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức công đoàn mà ảnh hưởng đến cả hệ thống chính trị, DN. Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Tô Minh Lắm chia sẻ: “Đây là điểm rất mới so với thực tế lao động tại Việt Nam. Hiện tại đã có 1 tổ chức công đoàn đại diện, việc thành lập thêm tổ chức đại diện sẽ bị chồng chéo, khó thực hiện dẫn đến quyền lợi NLĐ không đảm bảo”. Đại biểu đề nghị tuổi nghỉ hưu giữ nguyên như quy định hiện hành trong Bộ luật Lao động 2012 (nếu tăng tuổi hưu đối với nam lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi thì NLĐ không đủ sức khỏe để làm việc). Đồng thời, tuổi nghỉ hưu gắn liền với chế độ hưởng bảo hiểm xã hội, đề nghị Đoàn ĐBQH quan tâm đến nội dung chế độ bảo hiểm xã hội khi lao động nữ nghỉ việc chưa đủ tuổi hưu. Chị Đoàn Kim Quyên, (Công ty TNHH MTV Xây Lắp An Giang) bày tỏ: “Không nên tăng tuổi nghỉ hưu, vì đa phần đặc thù công nhân lao động, nhất là lao động trực tiếp sản xuất nếu phải tăng tuổi nghỉ hưu sức khỏe sẽ không đảm bảo, dẫn đến NLĐ bị thiệt thòi về quyền lợi”.

Góp ý về lao động nữ và bình đẳng giới, đại biểu cho rằng có khá nhiều nội dung còn trừu tượng, mơ hồ, trong đó quy định các nghĩa vụ của người sử dụng lao động phù hợp “điều kiện thực tế”, “nhu cầu của lao động nữ” “khả năng của người sử dụng lao động”… là những câu từ không cụ thể nên đề nghị không sử dụng. Chính phủ cần có quy định cụ thể, chi tiết hơn đối với những DN sử dụng bao nhiêu lao động nữ và bao nhiêu lao động nữ đang nuôi con nhỏ phải bố trí phòng vắt, trữ sữa... nhất thiết phải quy định nội dung này trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đại biểu còn đóng góp những vấn đề khác đáng lưu ý, như: “Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NLĐ” tại Điều 35 trong dự thảo, đề nghị bổ sung nội dung “NLĐ được quyền chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ về đóng bảo hiểm xã hội”. Đối với dự thảo này, cần mở rộng phạm vị điều chỉnh đến nhóm lao động phi chính thức để có cơ sở pháp lý bảo vệ phù hợp. Dự thảo cần bổ sung về trách nhiệm của người sử dụng lao động phải chi trả chế độ, chính sách cho NLĐ “khi NLĐ bị sa thải trong trường hợp người sử dụng lao động đổi mới công nghệ, máy móc… để thay thế NLĐ”. Ngoài ra, bữa ăn ca tác động rất lớn đến sức khỏe của NLĐ, nên cần đưa nội dung này thành quy định của luật, quy định cụ thể trong từng DN có bữa ăn ca bằng nhiều hình thức như: tổ chức nấu, thuê nấu, phát tiền, phát phiếu mua thức ăn…

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thiện Phú đánh giá cao những ý kiến phát biểu mang tính chuyên sâu, thực tiễn và những kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, đại diện tổ chức công đoàn. Qua đó, đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm tổng hợp, xem xét trình với Quốc hội.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích