Greenland trong chiến lược Bắc Cực của chính quyền Trump

01/04/2025 - 07:45

Greenland đang trở thành tâm điểm trong chiến lược Bắc Cực của Mỹ. Từ ý định sáp nhập của Tổng thống Trump đến những toan tính địa chính trị hiện nay, Washington đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại khu vực giàu tài nguyên này.

Chú thích ảnh

Quang cảnh thị trấn Nuuk, Greenland. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ ý định muốn sáp nhập Greenland vào Mỹ, một động thái gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ cả chính quyền Greenland và Đan Mạch. Theo nhà phân tích Kinga Dudzińska và chuyên gia Paul Markiewicz thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM), áp lực từ phía Mỹ phản ánh tham vọng củng cố vị thế tại khu vực Bắc Đại Tây Dương, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ở Bắc Cực ngày càng gia tăng.

Vị trí địa chiến lược của Greenland

Tầm quan trọng của Greenland được xác định bởi vị trí địa lý đặc biệt, đóng vai trò then chốt về mặt an ninh quân sự với các căn cứ và cơ sở quân sự quan trọng. Hòn đảo còn cung cấp khả năng tiếp cận các tuyến đường vận chuyển tiết kiệm chi phí qua khu vực Bắc Cực. Bên cạnh đó, Greenland sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là mỏ đất hiếm lớn thứ hai thế giới với trữ lượng 38,5 triệu tấn, chiếm 25-30% nguồn tài nguyên toàn cầu.

Mặc dù không còn là thuộc địa, Greenland vẫn là một phần của Đan Mạch từ năm 1953. Năm 2009, hòn đảo đã giành được quyền tự chủ mở rộng, bao gồm quyền tự quyết. Tuy nhiên, các vấn đề về chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh vẫn thuộc thẩm quyền của Đan Mạch, quốc gia cũng có nghĩa vụ bảo vệ người Inuit - dân tộc bản địa chiếm khoảng 90% dân số trên đảo.

Mục tiêu của Mỹ đối với Greenland

Các nhà phân tích của PISM lưu ý rằng, sự quan tâm của Mỹ tới Greenland chủ yếu liên quan đến an ninh khu vực Bắc Đại Tây Dương. Việc phát triển cơ sở hạ tầng quân sự trên đảo, đặc biệt là Căn cứ Pituffik (trước đây là Căn cứ Không quân Thule) hoạt động từ năm 1943, giúp tăng hiệu quả của các hệ thống cảnh báo tên lửa sớm, được sử dụng để đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh của Nga nhắm vào Mỹ. Các vệ tinh và vật thể trong không gian cũng được theo dõi từ đây.

Việc sáp nhập Greenland cũng sẽ mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Mỹ thông qua việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Quan điểm của Tổng thống Trump được cho là gợi nhớ đến Học thuyết Monroe năm 1823, một lập luận lý thuyết biện hộ cho chính sách vì lợi ích Mỹ. Cách tiếp cận mang tính giao dịch của Tổng thống Trump cũng dựa trên chính sách bành trướng truyền thống của Mỹ, tương tự như việc mua Alaska năm 1867 và Quần đảo Virgin năm 1916.

Theo quan điểm của Mỹ, Greenland có thể sẽ độc lập trong thời gian ngắn, nhưng do năng lực hạn chế, hòn đảo sẽ khó có thể tồn tại độc lập hoàn toàn, đặc biệt là trước các hoạt động mở rộng ảnh hưởng tiềm tàng từ Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, việc sáp nhập hoàn toàn Greenland - điều mà Mỹ đã nhiều lần cân nhắc trong quá khứ - khó có thể xảy ra.

Kịch bản thực tế hơn là việc ký kết các Hiệp định liên kết tự do (COFA) tương tự như Mỹ đã ký với Quần đảo Marshall, Palau và Micronesia. COFA có thể xác định phạm vi và bản chất nghĩa vụ của Mỹ đối với Greenland, đồng thời trao cho Mỹ quyền phủ quyết đối với đầu tư nước ngoài vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đảo.

Kế hoạch của Tổng thống Trump đối với Greenland có thể góp phần thay đổi hệ thống quản lý Bắc Cực hiện đang dựa trên sự hợp tác trong Hội đồng Bắc Cực (AR), nơi Đan Mạch là thành viên và sẽ đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên từ tháng 5 năm nay. Điều này ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Nga trong khu vực, khi chính quyền Trump tỏ ra hoài nghi về chủ nghĩa đa phương và mong muốn quay lại hợp tác song phương với Nga, ảnh hưởng tới các quốc gia khác có lợi ích ở Bắc Cực.

Từ năm 2023, theo chiến lược Bắc Cực được cập nhật, Nga đã có kế hoạch tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực, đồng thời đặt câu hỏi về quyền độc quyền của Na Uy đối với Svalbard. Ý định của Tổng thống Trump đối với Greenland nên được xem xét trong bối cảnh tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở vùng cực Bắc Mỹ, cũng như nhằm tăng cường hoạt động ở Alaska.

Lập trường của Greenland và Đan Mạch

Dù sự quan tâm đến Greenland không phải là điều mới trong quan hệ Mỹ - Đan Mạch, nhưng khoảng 85% người dân Greenland được khảo sát vào đầu năm nay đã bày tỏ thái độ tiêu cực đối với đề xuất của chính quyền Trump. Cuộc bầu cử vào ngày 11/3 năm nay đã mang lại chiến thắng bất ngờ cho đảng Demokraatit ôn hòa - tập trung chủ yếu vào việc xây dựng lại tiềm năng kinh tế-xã hội của hòn đảo, thận trọng về tầm nhìn độc lập và tách biệt khỏi chính sách của Mỹ.

Trên thực tế, việc Greenland độc lập hoàn toàn khỏi Đan Mạch không phải là viễn cảnh có thể đạt được nhanh chóng. Hòn đảo này vẫn thiếu các nguồn lực cần thiết trong nhiều lĩnh vực như y tế và giáo dục, với khoản tài trợ trọn gói từ Đan Mạch lên tới hơn 500 triệu USD, chiếm 20% ngân sách của vùng lãnh thổ này. Các vấn đề xã hội như thất nghiệp cũng cần được Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ, và trợ cấp xã hội hiện là nguồn thu nhập lớn thứ hai của người dân Greenland sau nghề đánh bắt cá.

Mặt khác, Đan Mạch cũng tránh gây bất hòa với Mỹ - đối tác chiến lược và kinh tế quan trọng, là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất (18% doanh thu xuất khẩu và 21% đầu tư của Đan Mạch vào năm 2024 đến từ Mỹ). Đan Mạch còn có cách tiếp cận chiến lược đối với sự tham gia của các công ty trong nước vào ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ, cung cấp linh kiện và phần mềm cho máy bay F-35 Lightning II. Các đổi mới từ ngành năng lượng Đan Mạch cũng hỗ trợ quân đội Mỹ trong việc trang bị các hệ thống bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.

Biến động ở Bắc Cực cũng được xác nhận bởi chiến lược an ninh năm 2022 của Đan Mạch. Mặc dù trước đây Chính phủ Đan Mạch phản đối sự hiện diện của NATO trong khu vực, nhưng tình hình hiện tại đã khiến lập trường này thay đổi. Kết quả là vào tháng 2 năm nay, Đan Mạch đã tăng chi tiêu quân sự cho khu vực phía Bắc này gần 2 tỷ euro, dành cho việc mua tàu và máy bay trinh sát không người lái. Đan Mạch hiện đang mong muốn cả NATO và EU hoạt động tích cực hơn ở Bắc Cực.

Có thể nói áp lực của Mỹ lên Greenland cho thấy quyết tâm củng cố vị thế của Mỹ ở Bắc Cực trên nhiều phương diện. Chính quyền Trump sẽ tìm cách tăng cường các cam kết song phương, đặc biệt là thông qua thỏa thuận COFA. Những tuyên bố của Tổng thống Trump cũng ảnh hưởng đến tình hình chính trị ở Greenland. Hòn đảo này sẽ vẫn là trung tâm của sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ở Bắc Cực. 

Theo TTXVN