“Ân nước đã xong quy vĩnh cửu”
Bạch Liên hôm nay cũng là chú tiểu Thông, ni cô Diệu Thông, chiến sĩ biệt động thành dũng cảm ngày nào. Trong ký ức của bà, không thể nào quên được những đồng chí thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự chiến trường Sài Gòn – Gia Định các năm 1968-1972, như: Võ Văn Thạnh (Ba Thắng), Chính ủy; Trần Hải Phụng (Hai Phụng), tư lệnh; Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), phó tư lệnh kiêm chỉ huy các lực lượng biệt động; người cháu Thích Viên Hảo, các chị Tám A, Mười Ánh, Sáu Thu…
Năm 1976, lực lượng Biệt động Sài Gòn vinh dự được Đảng và nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tặng 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng - Mưu trí vô song - Dũng cảm tuyệt vời - Trung kiên bất khuất”.
Là một thành viên trong lực lượng, khỏi phải nói, bà hạnh phúc biết bao nhiêu! Bản thân bà được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, cùng hàng loạt khen thưởng của Trung ương, địa phương, sở, ngành… Năm 2021, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài – nhân lực (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tặng danh hiệu “Hiền tài nước Việt” cho bà về thành tích cống hiến lớn lao trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hòa bình, ni cô Diệu Thông tiếp tục ở lại công tác tại Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh và Ban liên lạc Phật giáo yêu nước cho đến ngày nghỉ hưu. Năm 1982, ni cô Diệu Thông để tóc trở về đời. Người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé, mái tóc phi-dê tất bật với nhiều hoạt động công tác, họp mặt… nối tiếp nhau. Nếu không giới thiệu trước, đâu ai nghĩ rằng bà từng là một ni cô. Biết chuyện đời và chiến công của bà, mọi người đều kính ngưỡng. Có đợt, bà được mời đi tham quan Liên Xô cả tháng. Một chuyên gia người Liên Xô mến mộ, chụp rất nhiều hình tặng bà, gọi bà là “Chiến sĩ đặc biệt”.
Huyền Trang trong phim “Biệt động Sài Gòn” đã về cõi Phật, nhưng Huyền Trang ngoài đời còn nặng nợ cửa thiền. Làm tròn nhiệm vụ với đất nước, với đơn vị, với người thân, một lần nữa bà buông bỏ mái tóc xanh, trở về đời sống tu hành, mà nói như bà, đó là “xuất gia lần thứ hai”. Sau lễ phục hồi giới thể, năm 2015 bà được tấn phong giáo phẩm Ni trưởng Ni bộ Phật giáo Việt Nam. Bà viết rất nhiều bài thơ, bộc lộ nỗi lòng ở lần xuất gia thứ 2 này.
Trong “Lời cuối cùng” viết năm 2010, bà nhủ lòng: “Ân nước đã xong quy vĩnh cửu/ Thành thơi cảnh Phật rèn xá lợi/ Chẳng còn vướng bận nợ phiền ưu/ Vui vầy đạo bạn cùng tiên phật/ Trọn kiếp đạo đời giới luật nghiêm”. Bà tự khái quát “Đời Diệu Thông” bằng mấy câu thơ: “Tuổi thơ chú tiểu quét lá đa/ Nửa xuân trước đánh đuổi giặc ma/ Danh lưu sử nữ Biệt động thành/ Nửa xuân giữa lăn lộn trầm kha/ Lưng còm tỉnh mộng tâm linh hiện/ Chọn ngày giỗ mẹ quyết xuất gia/ Bảo trì ngôi Tam bảo chơn Tam Bảo/ Xuân rốt sau là một sư bà”.
Trước đó, bà rời căn nhà Tình nghĩa ở quận 12 (TP. Hồ Chí Minh, do thầy trò Trường bán công Nguyễn Thị Diệu) xây tặng. Bà rời bỏ đứa con nuôi không đủ hiếu thảo với mình. Bà lần lượt nếm trải cảm giác sinh ly tử biệt với những người anh em thân thuộc trong gia đình. Cuộc đời quá dài, nên bà dặn lòng “Trở về”: “Hai mươi năm lẻ dẹp quân thù/ Hàng tám quay về thuở nhỏ tu/ Lặn lội bao năm danh với lợi/ Tâm linh đánh thức kiếp phù du/ Đêm ngày mật niệm cho dừng nghiệp/ Rực rỡ sen thơm diệt tối mù”.
“Tu rửa ngày đêm gội rửa tâm linh”
Khi chắp nối lại đường tu, ngoài lúc sinh hoạt tôn giáo, bà dành phần lớn nỗi nhớ ray rứt về những đồng đội đã hy sinh anh dũng, chưa được công nhận anh hùng, như Tám A – Nguyễn Thị Rí. Năm 1969, bà cùng Tám A và Tám Ngoan xuất quân đánh xe buýt chở sĩ quan hải quân độc thân ở cư xá trên đường Nguyễn Văn Thoại. Chiếc xe 52 chỗ ngồi, thường ngày đưa đón lính Mỹ đến bến Bạch Đằng làm việc. Tám A lái Honda, Ngoan ngồi sau ôm trái nổ, bà trinh sát dẫn trái, đến điểm, dự kiến bọn chúng lên xe đủ sẽ ném trái. Kíp sắp nổ mà xe chưa đủ người, Tám A tràn đầy uất hận ra ám hiệu từ giã bà, lao thẳng vào xe buýt.
“Tiếng nổ rung chuyển một góc thành phố. Tôi quay xe lướt qua trinh sát, thấy xe buýt bị vỡ, lính Mỹ bị thương, chết ngổn ngang. Tám A và Ngoan hy sinh anh dũng, thi thể chẳng nguyên vẹn. Tôi gượng chạy vội về chùa rồi ngất xỉu. Nghe tiếng khóc của bé Hương (8 tuổi, con Tám A) hỏi mẹ đâu, tôi tỉnh dậy, ôm bé vào lòng nghẹn ngào, không nói được câu nào. Cha mẹ của bé đã lần lượt hy sinh, xót xa, đau đớn vô cùng. Tôi tác chiến trong nội thành rất nhiều trận, nhưng trận này khắc sâu trong tim” – bà run rẩy kể lại.
Trở về cuộc đời tu hành, bà đặt trang trọng trên bàn thờ quyển “Huyền thoại Củ Chi”, lưu danh tên 45.639 liệt sĩ đang được thờ phụng tại Đền Bến Dược – Củ Chi. Ngày ngày, vào giờ trì kinh bái lễ Phật, bà dành toàn bộ lòng mình khẩn cầu mười phương chư Phật tiếp độ hương linh các chiến sĩ, đồng đội, trong đó có nữ biệt động thành quả cảm Tám A.
Và bà còn có một chút lòng riêng. Dù được động viên, khen thưởng, vinh danh vì những đóng góp trong chiến tranh, nhưng với bà, ở một góc độ khác, bà đã sát sanh. Bà muốn dùng thời gian còn lại trong cuộc đời tụng kinh niệm Phật để hóa giải nợ trần đã nhuốm vào đôi bàn tay. Như một phật tử đã viết tặng bà: “Tu rửa ngày đêm gội rửa tâm linh/ Sen trắng vẫn thơm trong môi trường ô nhiễm/ Người xuất gia vẫn một lòng tin Đảng/Yêu đồng bào nên chẳng tiếc chi thân/ Con đường đã chọn chẳng chút phân vân/ Lặng lẽ làm điều trái tim mách bảo”.
Trong tư thất của bà hiện giờ, có tiếng chim hót vui tươi sáng sớm, có tiếng chuông chùa trầm ấm ban trưa, có tiếng gõ mõ tụng kinh đều đặn chiều tối. Một con chó, hai con mèo từ đâu đến ở, quấn quýt bên cạnh, cũng dần già đi theo năm tháng cùng bà. Đặc biệt, bà sống trong sự chăm sóc tận tình của cô Ba, một phật tử hữu duyên gặp gỡ.
“Tôi từng là giao liên trong kháng chiến chống Mỹ, công tác ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Cuộc sống riêng tư nhiều vướng mắc, tôi tìm đến các chùa để làm công quả, tá túc. Từng nghe danh sư bà, nhưng tôi không có dịp gặp gỡ. Năm 2006, sư bà về Sa Đéc, không may trở bệnh, phải nhập viện điều trị. Tôi đi thăm, thấy sư bà đơn chiếc, không ai chăm sóc, nên rất thương cảm.
Mãi 7 năm sau, tôi gặp lại sư bà lần thứ 2. Ngày 25-1-2013, tôi quyết định về An Giang, chăm sóc sư bà, xem bà là người mẹ thứ 2 của mình. Sư bà thường nói đùa, tôi là “Việt cộng nuôi Việt cộng”. Hơn 90 tuổi rồi, sư bà đau bệnh nhiều, tính tình nóng nảy hơn trước, con cháu không ở gần, một mình tôi đi chợ, nấu nướng, lo từng miếng ăn giấc ngủ cho bà, phụ bà tiếp khách xa gần đến thăm. Trải qua nhiều bể dâu, tôi sống với sư bà bằng tình đồng chí, tình đạo pháp, tình người…” – cô Ba tâm sự.
“Diệu Thông hôm nay vẫn một lòng yêu Đảng”
Sau ngần ấy năm chiến đấu và tu hành, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông trút cạn những gì mình có cho cách mạng: ngôi chùa Tam Bảo ở TP. Hồ Chí Minh, 2 chiếc xe gắn máy.
Năm 1986, xét những đóng góp lớn lao của bà trong kháng chiến, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh đề nghị UBND thành phố tặng cho bà chiếc Cúp 50 làm phương tiện đi lại. Hiện giờ, chiếc xe vẫn còn mới, được cất giữ cẩn thận, trở thành món tài sản quý giá nhất của bà.
Bệnh tật liên miên là thế, neo đơn là thế, nhưng ai hỗ trợ gì, bà cũng để đó, tìm giúp người có hoàn cảnh khó khăn, hoặc chọn việc thiện nguyện đóng góp. Mấy cái răng lưa thưa khiến bà ăn uống bất tiện. Có phật tử gửi tặng bà 20 triệu đồng để trồng răng. Nhưng rồi, bà lại dùng tiền ấy đóng góp xây dựng chùa. Mấy triệu đồng lương hưu, bà chi tiêu một ít, còn lại để dành giúp đỡ người nghèo, hội viên Hội Cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam/Dioxin... Hôm nào khỏe trong người, bà đi đến tận nơi phát mấy trăm phần quà cho người dân. Cô Ba khuyên: “Sư bà lớn tuổi rồi, đừng đi xa nữa”, bà ừ cho qua chuyện, rồi hôm sau vẫn khăn áo đi tiếp.
“Chiến sĩ Biệt động xưa xếp trang sử hào hùng/ Nhưng chẳng ai quên ngày ấy có Huyền Trang/ Diệu Thông hôm nay vẫn một lòng yêu Đảng”. Quả thật, cả đời mình, Ni trưởng Diệu Thông chất chứa tấm lòng yêu Đảng, kính Bác Hồ, quý dân, chưa bao giờ phai nhạt.
Bà có một quyển thơ, mang tên “Những vần thơ cuối cùng của Diệu Thông”, bày tỏ: “Thật là toàn giác độ chúng mê/ Bác là Bồ Tát khổ muôn bề/ Xả thân cứu nước bao gian khổ/ Non nước thanh bình Bác ở đâu/ Chỉ thờ hình tượng và tâm tưởng/ Toàn Đảng toàn dân đến thôn quê/ Tôn thờ kỷ cương Đảng Bác dạy/ Thật là từ bi Bác cứu dân” - (Thờ Bác ở đâu). “Thấm nhuần ơn sâu Bác, Đảng dạy/ Cứu dân cứu nước tròn tuổi xuân” – (Đời tu hành)…
Một lần đến thăm Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông, ông Phùng Văn Sang (Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh An Giang) bày tỏ: “Sư bà là một nhân vật huyền thoại, từng tham gia đội Biệt động Sài Gòn, đóng góp rất lớn cho sự nghiệp cách mạng, công cuộc giải phóng đất nước. Khi trở về đời thường, sư bà luôn thể hiện khí chất, cái tâm trong sáng của người cách mạng, đặc biệt quan tâm, theo dõi sự phát triển của xã hội, của lực lượng vũ trang trong cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Đối với Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, sư bà thường xuyên đóng góp, kêu gọi nhà hảo tâm khắp nơi chung tay gửi tặng của ít lòng nhiều đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam/Dioxin… Dẫu tuổi cao, sức yếu, sư bà vẫn nhiệt tình lo cho xã hội. Đây là nghĩa cử rất cao đẹp”.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ An Giang Nguyễn Phú, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh, khẳng định: “Lãnh đạo các cấp trong tỉnh đều đặc biệt quan tâm đến Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông, nhân chứng lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà là tấm gương tiêu biểu cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng ngày trước, không quản ngại hy sinh mất mát, đóng góp công lao to lớn để phụng sự, bảo vệ Tổ quốc. Tỉnh An Giang đã vận động xây dựng nhà Tình nghĩa cho Ni trưởng. Vào các ngày lễ, Tết, chúng tôi thường tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà tri ân, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến bà. Tôi rất mong, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Ni trưởng được các thế hệ sau biết đến, khắc ghi và mãi tri ân. Đồng thời, ra sức học tập, cống hiến để xứng đáng với công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập hôm nay”.
Trí nhớ của Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông dần bị thời gian tàn phá. Cộng với sức khỏe không tốt, nên dẫu muốn kể chuyện nhiều hơn, bà đành lực bất tòng tâm. Vì vậy, bà tặng cho chúng tôi quyển “Ni cô Huyền Trang - Cuộc đời và sự nghiệp”. Đó là những bài báo, bản thảo, hình ảnh bà tự sưu tập được (hoặc mọi người gửi tặng), đóng thành cuốn, cất giữ như báu vật đời mình. Thậm chí, bà đã bổ sung một bản “Thỉnh nguyện tâm thư”, bày tỏ mong muốn của mình sau khi viên tịch. Để hoàn thành bài phóng sự này, chúng tôi tham khảo một số tư liệu quý trong ấy, đặc biệt là số liệu, mốc thời gian.
Phóng sự khép lại, nhưng cảm xúc và ký ức về những ngày gặp gỡ “ni cô Huyền Trang” sẽ theo chúng tôi đến mãi về sau. Bà như một đóa Bạch Liên tinh khiết, rực rỡ hòa quyện giữa đạo và đời, giữa nhập thế và xuất thế, giữa quá khứ và hiện tại…, “bùn nhơ sen trắng gan cùng nước non” – (thơ Võ Thị Cẩm Tú).
Bài, ảnh: GIA KHÁNH
Thiết kế hình ảnh: TRUNG HIẾU