Ngày 12-1, lãnh đạo TAND TP HCM cho biết đã nhận được đơn khởi kiện của ông Nguyễn Ngọc Hùng và Trần Mạnh Tùng (ngụ quận Long Biên, TP Hà Nội) yêu cầu TAND TP giải quyết tranh chấp về kinh doanh thương mại.
Phía bị kiện là Apple Inc (trụ sở tại Mỹ), có đại diện thương nhân tại Việt Nam là Công ty TNHH Apple Việt Nam (trụ sở tại phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM) với đại diện pháp luật là ông Peter Ronald Denwood.
Trong đơn khởi kiện, 2 luật sư đề nghị tòa buộc bị đơn đưa ra các giải pháp sửa chữa, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và ngăn chặn việc gây thiệt hại cho nguyên đơn khi cập nhật các phần mềm, hệ điều hành mới dành cho sản phẩm điện thoại iPhone do Apple là nơi sản xuất, phân phối cho người tiêu dùng Việt Nam.
Hai luật sư cho rằng bị ảnh hưởng nặng nề do Apple cung cấp sản phẩm lỗi. Ảnh: Hoàng Triều
Theo đó, bị đơn có trách nhiệm đưa ra giải pháp khắc phục và chấm dứt việc gây thiệt hai cho nguyên đơn cũng như toàn thể người tiêu dùng tại Việt Nam khi sử dụng iPhone bị khuyết tật về kỹ thuật (cụ thể là suy giảm hiệu suất của điện thoại và suy giảm một số tính năng khác do sử dụng bản cập nhật hệ điều hành mới).
Đối với những sản phẩm bị lỗi, khuyết tật về kỹ thuật cho các sản phẩm iPhone của nguyên đơn cũng như toàn thể người tiêu dùng Việt Nam, yêu cầu Apple có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, yêu cầu Apple sửa chữa phần mềm, hệ điều hành để điện thoại của người dùng trở về đúng hiệu năng ban đầu, hoặc phải thay pin miễn phí để điện thoại của người dùng có hiệu năng như trước khi bị lỗi khuyết tật về kỹ thuật mà Apple gây ra.
Hai luật sư cho biết đang trong quá trình dịch đơn khởi kiện, các tài liệu liên quan đến vụ kiện sang tiếng Anh, chính thức gửi thông báo cho Apple.
Ông Trần Mạnh Hùng nhận định: "Chúng tôi là người tiêu dùng ở Việt Nam, thực chất đã bị thiệt hại trực tiếp khi giá trị tài sản (là điện thoại đang dùng) bị giảm xuống, ảnh hưởng rất lớn tâm lý khi sử dụng sản phẩm iPhone, dẫn đến các thiệt hại kinh tế khác khi không sử dụng sản phẩm chất lượng như cam kết".
Theo 2 luật sư, ngày 28-12-2017, đại diện Apple Inc đã chính thức thông báo xin lỗi người tiêu dùng trên toàn thế giới vì hành động làm chậm iPhone cũ thông qua việc phát hành hệ điều hành mới khiến hiệu suất trên các phiên bản điện thoại iPhone 6, 6 Plus, 6S, 6S Plus, iPhone 7, 7 Plus, iPhone SE giảm mà không hề thông báo trước.
"Việc Apple Inc xin lỗi công khai và nhận lỗi này được đăng tải trên website của hãng nhưng không kèm theo chính sách bồi thường thiệt hại hay giải pháp để nhanh chóng khắc phục lỗi của mình cho người tiêu dùng ở Việt Nam.
Không những vậy, Apple Inc còn đưa ra khuyến nghị thay pin để đảm bảo hiệu suất máy, làm cho người tiêu dùng như chúng tôi thiệt hại rất nhiều về kinh tế. Việc làm này của Apple không những không phải là giải pháp tích cực cho người tiêu dùng mà còn là một giải pháp mang tính kinh doanh, nhằm gia tăng tối đa lợi nhuận cho Apple bằng việc gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chúng tôi cho rằng việc phát hành hệ điều hành mới cho các sản phẩm iPhone nói trên của Apple Inc thực chất là hành động cố ý gây khuyết tật kỹ thuật cho sản phẩm để buộc người tiêu dùng phải lựa chọn: Hoặc phải tiến hành thay pin mới cho điện thoại hoặc mua máy mới và việc làm này chỉ với mục đích duy nhất là để tăng hiệu quả kinh doanh. Điều này dẫn tới hệ quả là người tiêu dùng điện thoại nhãn hiệu iPhone khi đã tiến hành cập nhật phiên bản hệ điều hành mới của Apple Inc sẽ khiến cho thiết bị điện thoại gặp phải khuyết tật và bị giảm hiệu năng" - ông Hùng nêu vấn đề.
Ông Hùng dẫn chứng trên thế giới đã có khoảng 20 vụ kiện Apple Inc về vấn đề này tại tòa án các bang ở Mỹ, ở Hàn Quốc, Pháp, Isarel…
Theo PHẠM DŨNG (Người lao động)